Chương trình có sự góp mặt của các nhân chứng lịch sử như: bà Nguyễn Ngọc Huệ, trạm giao liên, Tình báo - Biệt động Sài Gòn; bà Nguyễn Thị Hồng Châu, Ban Quân báo, Trinh sát - Biệt động Sài Gòn; ông Hồ Duy Hùng, Chiến sĩ Quân báo, Quân khu Sài Gòn - Gia Định; bà Phạm Thị Tư, Quân báo J90, Lực lượng Quân báo - Bộ Tư lệnh Sài Gòn.
Các nhân chứng lịch sử giao lưu tại chương trình. |
Trong lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, tình báo quốc phòng với các phương thức, lực lượng rộng khắp, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, lập được nhiều chiến công xuất sắc trên mặt trận thầm lặng, phục vụ thắng lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lực lượng tình báo, biệt động đã cùng với lực lượng vũ trang thực hiện nhiều trận đánh táo bạo, gây nhiều thiệt hại cho địch, góp phần không nhỏ vào công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của phụ nữ trong lực lượng tình báo mà đến nay vẫn chưa được thế hệ trẻ biết đến một cách thấu đáo.
Các nhân chứng lịch sử chụp hình lưu niệm cùng Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. |
Nhắc về những năm tháng “ẩn mình” hoạt động, bà Nguyễn Ngọc Huệ (trạm giao liên, Tình báo - Biệt động Sài Gòn) chia sẻ: “Mậu Thân năm 1968 tôi được phân công nhiệm vụ “vận chuyển vũ khí vào nội đô”. Có lần vận chuyển đạn cho súng AK, đạn để trong bộ ván gỗ, giữa hai lớp gạo ngụy trang, rất đẹp và bóng. Khi xe bò vừa kéo ra đến đường thì gặp ngay đám lính ở dưới càn lên. Xe bò dừng ngay ở chỗ nhà máy xay lúa, quân địch tới và săm soi bộ ván. Tôi nói: “Sợ pháo nổ sẽ làm hư nên em chở về dưới ngoại gửi. Chỗ đó là ấp chiến lược không có pháo, không có máy bay bắn”. Nghe vậy, quân địch không nghi ngờ mà còn hỗ trợ tôi vận chuyển bộ ván gỗ. Tôi còn lấy nón ra quạt (thực ra là ra ám hiệu an toàn) cho ông Năm Lai đánh xe bò từ đường vào đón bộ ván. Đi được một quãng đường, tôi mới giật mình nhận ra, do chuyên chở nhiều lần, bị va chạm nên bộ ván đã bị hư phía bên dưới, nếu nhìn kỹ sẽ thấy hở bên trong. Thật may quân địch đã không kiểm tra phần dưới bộ ván”.
Khán giả tham dự chương trình giao lưu. |
Với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta đã xây dựng được các cơ sở cách mạng ngay trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền. Trong vỏ bọc giúp việc cho nhà sĩ quan cao cấp chế độ Mỹ ngụy, bà Nguyễn Thị Hồng Châu (Ban Quân báo, Trinh sát - Biệt động Sài Gòn) kể lại: “Với thân phận giúp việc, tôi cố gắng siêng năng, chăm chỉ trong việc nhà, không tham lam để tạo lòng tin cho gia đình nhà chủ. Bên cạnh đó, tôi còn có nhiệm vụ giao mật thư. Tôi ngụy trang mật thư bằng cách bọc, gói đồ ăn thức uống đi đường như ổ bánh mì, thang thuốc bắc, gạo, đường… Mỗi bức thư là cả tính mạng của giao liên, số phận của cả tổ chức, ảnh hưởng đến tình hình cách mạng, vì vậy mà phải ngụy trang thật kỹ, tính toán đường đi nước bước từng chút một”.
Các em học sinh tham quan trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. |
Có thể nói, những cống hiến, hy sinh thầm lặng của những nữ chiến sĩ với những hoạt động khéo léo và đầy biến hóa của trong suốt những năm tháng hoạt động dưới vỏ bọc “kẻ thù” cung cấp nhiều tin tức, tài liệu mật liên quan đến các cuộc hành quân của địch trong tỉnh và quân khu đã đưa nhiều chiến sĩ tình báo trở thành huyền thoại có một không hai trong lịch sử quân sự Việt Nam.
Người chiến sĩ năm ấy, luôn xác định sẵn trong lòng “ra đi là không có ngày trở về”, những chiến sĩ tình báo luôn nguyện hy sinh thân mình để hoàn thành nhiệm vụ. Sống và hoạt động ngay giữa trung tâm đầu não của địch cận kề với hàng trăm mối hiểm nguy, để đảm bảo an toàn cho tổ chức và người thân yêu.