Thỏa thuận hạt nhân mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil với Iran về việc đưa 1.200kg uranium đến Thổ Nhĩ Kỳ làm giàu diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các cường quốc phương Tây đang thúc đẩy một lệnh cấm vận mới đối với Iran về chương trình hạt nhân của nước này. Việc ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil có thể là chiến lược mới của Iran với hy vọng trì hoãn lệnh cấm vận, sau đó sẽ làm phức tạp thêm vấn đề, vì giờ đây, vấn đề hạt nhân của Iran không chỉ do 6 nước quyết định (5 nước thành viên thường trực HĐBA LHQ và Đức).
Do đó, Iran muốn có thêm tiếng nói của 2 nước khác làm đối trọng vì cả hai hiện là thành viên không thường trực HĐBA LHQ và đều phản đối lệnh cấm vận Iran. Thỏa thuận trên cũng đã buộc Nga phải xem xét lại khả năng ủng hộ nghị quyết cấm vận mới của LHQ chống Iran.
Phát biểu trong lúc đang thăm Ukraine, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho rằng các nước nên ngồi lại với nhau càng sớm càng tốt để xác định xem thỏa thuận giữa Iran với Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ có đủ sức gác lại một lệnh cấm vận mới với Iran hay không. Trung Quốc cũng hoan nghênh thỏa thuận này - dấu hiệu cho thấy họ sẽ phản đối lệnh cấm vận mới chống Iran. Có thể Nga và Trung Quốc muốn nhờ đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil trong việc trì hoãn lệnh cấm vận Iran hơn là tự bản thân hai nước này bỏ phiếu phủ quyết, vì như thế có thể đặt họ vào tình thế khó khăn hơn trong quan hệ với Mỹ.
Đề nghị trước đây của 6 nước là Iran chuyển uranium 3,5% cho Nga làm giàu lên mức 20%. Nhưng Iran bác bỏ đề nghị này và tháng tư vừa qua bắt đầu tự làm giàu uranium. Thái độ này làm cho Tây phương tăng tốc vận động HĐBA LHQ thảo luận các biện pháp mới trừng phạt Iran.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tiên đoán rằng sứ mệnh của Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thất bại và không thể tác động gì đến nỗ lực cấm vận của Mỹ với Iran. Cả Mỹ, Anh và Pháp cho rằng thỏa thuận này còn nhiều điểm rất “mơ hồ”. Thứ nhất Thổ Nhĩ Kỳ không có khả năng làm giàu uranium, thứ hai lượng uranium đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ làm giàu, theo họ, chỉ khoảng 1/3 so với số lượng còn lại ở Iran có thể đủ chế tạo vũ khí hạt nhân.
Chưa thể khẳng định liệu thỏa thuận mới có giúp Iran tránh được lệnh cấm vận hay không nhưng nó cho thấy giờ đây Mỹ không thể xem thường vai trò của các nước mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil. Báo The Christian Science Monitor dẫn lời của chuyên gia Chaerles Kupchan tại Hội đồng quan hệ đối ngoại ở Washington nói: “Đây là biểu hiện sớm của quá trình phân tán quyền lực khỏi các siêu cường thời kỳ hậu chiến tranh thế giới thứ hai, một sự chuyển đổi đã bắt đầu hình thành”.
Phát biểu ngay sau khi ký kết thỏa thuận tại Tehran, Ngoại trưởng Brazil Celso Amorim tuyên bố rằng điều này đã làm “mất đi mọi cơ sở để cấm vận Iran”.
Ở một mức độ nào đó, thông qua vai trò trung gian trong vấn đề xử lý nguyên liệu hạt nhân, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ muốn khẳng định rằng các nước đang phát triển có quyền phát triển năng lượng hạt nhân phục vụ hòa bình.
KHÁNH MINH