Nước Đức trước thế cờ “đại liên minh”

Tháo nút thắt
Nước Đức trước thế cờ “đại liên minh”

Hôm qua 23-10, đảng Liên minh xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) đã chính thức đàm phán với đảng Dân chủ xã hội (SPD) về việc thành lập chính phủ liên minh. Thời gian không còn nhiều khi Thủ tướng Đức Angela Merkel mong muốn chính phủ mới sẽ ra mắt trước lễ Giáng sinh năm nay. Theo giới quan sát, đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh có quá nhiều “những tranh cãi” trong thời gian qua.

Thành viên của CDU/CSU và SPD tham dự một cuộc hội đàm ngày 14-10 tại thủ đô Berlin.

Thành viên của CDU/CSU và SPD tham dự một cuộc hội đàm ngày 14-10 tại thủ đô Berlin.

Tháo nút thắt

Một điều đáng mừng được phát đi từ SPD, đó là đảng này không còn đề cập tới việc tăng thuế đánh vào những người có thu nhập cao như từng nêu trong chiến dịch tranh cử trước đây. Đây là điểm xung đột chính giữa SPD và CDU/CSU trong 3 cuộc thảo luận không chính thức trước đây khi đảng liên minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn bác bỏ yêu cầu này của SPD.

Các tài liệu nội bộ của SPD cho thấy trong cuộc đàm phán tới, đảng này sẽ đưa ra 10 điểm được coi là “không thể thay đổi” với CDU/CSU. Trong đó có áp dụng mức lương tối thiểu 8,50 EUR/giờ, chi trả bình đẳng giữa nam và nữ, đầu tư lớn hơn cho cơ sở hạ tầng và giáo dục, một chiến lược chung nhằm thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). SPD cũng yêu cầu mức lương hưu bình đẳng giữa hai miền Đông và Tây Đức, đầu tư lớn hơn cho việc chăm sóc người cao tuổi cũng như đề nghị áp dụng quy chế quốc tịch kép ở Đức… Những cuộc đàm phán mới có thể kéo dài 1 tháng.

Việc SPD chịu ngồi vào đàm phán đã giúp CDU/CSU giảm bớt nỗi lo. Trước đó, SPD từng úp mở rằng họ sẽ không tham gia vào chính phủ liên minh bởi có quá nhiều điểm mâu thuẫn trong chính sách. Nhưng việc loại bỏ tăng thuế đánh vào những người có thu nhập cao, theo các chuyên gia, cho thấy SPD đang nghiêm túc hướng tới thỏa thuận thành lập chính phủ “đại liên minh”.

CDU/CSU đã từng tính tới việc liên minh với đảng Xanh do lo ngại “mối lương duyên” với SPD bất thành. Tuy nhiên, ngày 16-10 vừa qua, những người đứng đầu đảng có cương lĩnh tập trung khá nhiều vào xã hội và môi trường đã khước từ việc đàm phán với CDU/CSU.

Chưa một vị thủ tướng tiền nhiệm nào của Đức có được quyền lực và vị thế tại Đức và châu Âu lớn như bà Merkel vào thời điểm hiện nay. Trong bối cảnh châu Âu hiện đang đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức, Đức nổi lên là một nhân tố tối quan trọng đối với quyết định sinh mệnh của khối này. Nếu việc thành lập “đại liên minh” thành công, nữ Thủ tướng Đức sẽ được trao thêm quyền lực để thực hiện nỗ lực định hình nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung, cũng như nhiều vấn đề quan trọng mà đảng của bà lâu nay theo đuổi như cải cách hiến pháp ở cả Đức và EU.

Nhiều thách thức

Tạp chí Der Spiegel cho rằng để đứng chung một chiến tuyến, CDU/CSU và SPD sẽ phải chấp nhận “những thỏa hiệp” đầy khó khăn trong cuộc đàm phán sắp tới. Điều này được minh chứng với phát biểu mới đây của bà Hannelore Kraft, Phó Chủ tịch SPD, Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia. Bà Kraft khẳng định SPD phải là một đối tác ngang bằng trong bất cứ một chính phủ nào, không bao giờ SPD chịu lép vế.

Truyền thông Đức dự đoán một số khó khăn mà các bên sẽ phải đối mặt. Thứ nhất, đó là việc phân chia các vị trí trong chính phủ liên minh tương lai. Mặc dù SPD không công khai những vị trí mong muốn nhưng dư luận cho rằng, SPD muốn có ít nhất 6/15 ghế trong nội các sắp tới, trong đó có vị trí đầy quyền lực là chiếc ghế Bộ trưởng Tài chính, hiện đang do ông Wolfgang Schaeuble của CDU/CSU nắm giữ. Tuy nhiên, đây là vị trí CSU/CDU khó để rơi vào tay SPD. Volker Kauder, người đứng đầu nhóm nghị viện của CDU, ngụ ý khẳng định điều này khi nhấn mạnh: Trong thời buổi khó khăn hiện nay ở châu Âu, nước Đức cần một người giỏi nhất ở vị trí Bộ trưởng Tài chính và “ông Schaeuble là người tốt nhất hiện nay”.

Trong lúc đại hội bất thường của SPD diễn ra vào ngày 20-10 về việc quyết định có hay không liên minh với CDU/CSU, nhiều người ủng hộ SPD đã biểu tình bên ngoài, nơi diễn ra cuộc họp của SPD để phản đối việc liên minh. Lý do được đưa ra là họ quan ngại về số phận SPD trong tương lai sau khi kết thúc nhiệm kỳ liên minh. SPD đã phải nếm trái đắng sau khi bắt tay thành lập “đại liên minh” giai đoạn 2005 - 2009. Hết nhiệm kỳ, SPD đã phải gánh chịu kết quả bầu cử quốc hội năm 2009 tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II. Bài học gần nhất là đối tác liên minh cũ của bà Merkel, đảng Dân chủ tự do (FDP). Sau 4 năm tham gia liên minh cầm quyền từ 2009 - 2013, tại cuộc bầu cử vừa qua, đảng FDP thậm chí còn không đạt tỷ lệ phiếu bầu tối thiểu 5%, và lần đầu tiên từ năm 1949 bị loại khỏi Hạ viện liên bang. Đây cũng sẽ là điểm SPD hết sức cân nhắc trong các cuộc hội đàm lần này.

Ngoài ra, vấn đề mức lương tối thiểu cũng đang hứng chịu những phản đối. Rất nhiều viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức đã cảnh báo đề xuất của SPD sẽ dẫn đến tình trạng mất việc làm hàng loạt tại Đông Đức, nơi 1/4 lao động có thu nhập thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu SPD đưa ra. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách an sinh mà đảng của bà Merkel đã duy trì khá tốt trong 2 nhiệm kỳ nắm quyền…

Mặc dù còn nhiều thách thức phải đối mặt nhưng ông Kauder tin tưởng hai đảng sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng. Bộ trưởng Tài chính Schaeuble cũng khẳng định bất cứ sự điều chỉnh nào về chính sách cũng khó có thể đe dọa nền kinh tế Đức hiện nay.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục