Nuôi dưỡng nguồn thu

Quy hoạch di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn và đầu tư, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) đang được các cơ quan liên quan nỗ lực thực hiện. Dẫu việc này đã được nghiên cứu kỹ… nhưng vẫn còn đó không ít tâm tư: Không còn cảng biển, sân bay trọng điểm - những động lực có tính quyết định xây dựng nên một Sài Gòn - TPHCM, trung tâm kinh tế từ hàng trăm năm qua, TPHCM sẽ dựa vào nguồn lực nào để phát triển, đóng góp cho đất nước?

Cách nay một năm, Báo Sài Gòn Giải Phóng có đưa tin: Tổng cục Thống kê đã công bố Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020. Theo sách này, bình quân năm 2019, cả nước có 7,9 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân. Có 8/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân cao hơn bình quân cả nước. Cao nhất là TPHCM với 26,5 doanh nghiệp. TPHCM có 239.623 doanh nghiệp, chiếm tới 31,6% số doanh nghiệp cả nước. 

Không chỉ có số lượng doanh nghiệp hùng hậu, tại TPHCM còn có nhiều trường đại học nổi tiếng - những nơi có thể cung cấp nguồn lao động chất lượng cao cho doanh nghiệp. Chưa hết, TPHCM còn là một trong những đầu mối giao lưu quốc tế trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế tới văn hóa, khoa học - kỹ thuật. 

Vừa mới đây trong Hội thảo “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam” do Trường Đại học Kinh tế TPHCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế đã đánh giá: “TPHCM có đầy đủ điều kiện nhất để xây dựng trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và thế giới”. Với bề dày lịch sử phát triển kinh tế hàng mấy trăm năm qua, Sài Gòn - TPHCM còn là cái nôi sản sinh nhiều doanh nhân. Nguồn lực trong dân ở Sài Gòn - TPHCM cũng không hề nhỏ. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, năm 2020 mặc dù dịch bệnh hoành hành trên toàn thế giới nhưng lượng kiều hối gửi về TPHCM đạt khoảng 6,1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2019. Tất cả yếu tố trên là nguồn lực mạnh mẽ để TPHCM phát triển và đóng góp cho đất nước.

Trong khi đó, chi phí để giải quyết tình trạng quá tải trong giao thông và môi trường ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và các cảng biển nằm sâu trong nội thành đang là gánh nặng lớn đối với TPHCM. TPHCM đã phải chi hàng trăm tỷ đồng để mở đường, xây cầu vượt, hầm chui và dự báo còn phải chi thêm nữa vì tình trạng quá tải này vẫn tiếp tục tăng. 

Cách nay hơn 20 năm, Thái Lan cũng phải di dời hệ thống cảng biển ở Bangkok đến tỉnh Cholburi cách Bangkok khoảng 130km do hệ thống cảng biển này gây ra các vấn đề tương tự hệ thống cảng biển nằm trong nội thành TPHCM. Và việc di dời này không chỉ giúp Bangkok giải quyết vấn nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường mà còn giúp Bangkok có điều kiện phát triển các ngành nghề khác tốt hơn. Còn khu cảng mới của Thái Lan ở Cholburi  từ năm 2010 đã là cảng lớn thứ 22 trong tốp 50 cảng lớn nhất thế giới về sản lượng hàng container thông qua. Doanh thu từ đây đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Thái Lan.

Thế nhưng, tiềm năng, lợi thế chỉ được phát huy, khai thác có hiệu quả khi được khai thông, được hỗ trợ phát triển. Theo nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, TPHCM tiếp tục đứng vị trí thứ 14, không cải thiện so với năm 2019. Phải nghiêm túc nhìn nhận, đây là bước lùi đối với một thành phố năng động, sáng tạo như TPHCM. Để cải thiện tình trạng này, TPHCM cần thay đổi mạnh mẽ theo hướng xây dựng cho được quy trình làm việc cụ thể đến từng khâu. Việc tắc ở đâu là xác định được địa chỉ ngay. Hiện nay, trong nhiều quy định pháp luật mới chỉ dừng ở mức độ quy định “cán bộ công chức phải làm…”, nhưng nếu không làm hoặc làm chậm, đẩy trách nhiệm cho người khác, bị xử lý thế nào, lại chưa có. Cần trám ngay khoảng trống này.

Khơi gợi sức dân, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh đúng pháp luật là giải pháp mà TPHCM có thể làm ngay để tìm kiếm nguồn thu bền vững trong bối cảnh vì lợi ích lâu dài, bền vững cho đất nước, Nhà nước phải sắp xếp lại hoạt động của hệ thống cảng biển, sân bay cho hợp lý hơn. 

Tin cùng chuyên mục