(SGGP).- Ngày 24-8, tại tỉnh Đồng Nai, Phân viện chăn nuôi Đông Nam bộ phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội thảo “Nuôi heo siêu nạc không sử dụng chất cấm”.
Tại hội thảo, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2015, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã tiến hành thanh tra và lấy 190 mẫu tại 190 trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn để giám định, kiểm soát nguồn gốc chất cấm thuộc nhóm beta - agonist; đồng thời lấy 84 mẫu tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ để kiểm tra. Kết quả có 17 mẫu dương tính với chất sabultamol (thuộc nhóm chất cấm beta - agonist), vượt ngưỡng cho phép. Bên cạnh chất cấm, sau khi các cơ quan lấy 14 mẫu để giám định, có 5 mẫu nhiễm vi sinh vật...
Sau khi phát hiện những cơ sở chăn nuôi vi phạm các quy định về sử dụng chất cấm, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính mỗi cơ sở 15 triệu đồng; giám sát đàn heo khi nào hết chất cấm mới cho bán ra thị trường. Đồng thời, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cũng đã chuyển toàn bộ hồ sơ những cơ sở vi phạm qua cơ quan công an để điều tra nguồn gốc, đường đi của chất cấm.
Ông Lã Văn Kính, Viện phó Viện chăn nuôi, Giám đốc Phân viện chăn nuôi Đông Nam bộ, cho rằng, ở Việt Nam, việc sử dụng kháng sinh trong khẩu phần ăn của vật nuôi đã bị lạm dụng, trong đó chủ yếu ở các hộ chăn nuôi heo và trang trại nhỏ lẻ. Ông Lã Văn Kính cho rằng hoàn toàn có thể sử dụng axit hữu cơ để thay thế kháng sinh (chất sabultamol) trong chăn nuôi heo; bổ sung các chế phẩm thảo dược cũng có thể cải tiến tăng trọng và hệ số chuyển hóa thức ăn, tăng trọng cho heo. Còn Tiến sĩ William W. Riley, Giáo sư chất lượng và an toàn thực phẩm Trường Đại học Jinan (Quảng Châu, Trung Quốc) cho biết, với các sản phẩm thịt có chứa các chất cấm trong nhóm beta - agonist thì các vấn đề thường gặp nhất đối với người tiêu dùng, đó là nhức đầu, run tay, bồn chồn, mất ngủ, tăng sự thèm ăn, buồn nôn, tăng huyết áp. Nếu sử dụng chất cấm quá liều có thể dẫn đến tử vong.
ĐỨC TRUNG - VĂN HUY