
Hàng trăm hécta nuôi tôm thẻ chân trắng ở Quảng Nam đang chết trắng hồ do nhiễm virus đốm trắng. Đây là số tôm mà người dân thả nuôi trái vụ để “đón giá” nhưng không ngờ lại… “đón nợ”.
Rụng rời vì tôm chết
Với gương mặt thất thần đứng nhìn những hồ tôm, ông Nguyễn Văn Tạo (thôn Lộc Đông, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) cho biết, gia đình ông đầu tư hơn 20 triệu đồng thả 45 vạn con giống trong diện tích 6 sào ao nuôi (mỗi sào 500m²). Cách đây chừng 10 ngày, khi tôm được 35 ngày tuổi thì bỗng nhiên chết hàng loạt nổi trắng hồ. “Sáng ra, nhìn thấy tôm chết mà rụng rời, chẳng làm ăn chi được nữa. Cả mấy chục triệu đồng đầu tư giống, bột ăn, rồi công nuôi trong hơn tháng trời coi như đổ sông đổ biển” - ông Tạo than thở.
Cùng cảnh ngộ với ông Tạo, ông Trần Văn Sơn (thôn Lộc Đông) nuôi 7 sào ao tôm, đến nay cũng “trắng tay” vì tôm chết không còn một con. Ông Sơn cho biết, đầu tháng 3 tôm chết lai rai mỗi ngày vài chục con, nhưng đến gần cuối tháng 3 thì tôm bắt đầu chết hàng loạt. Trong khi đó, hàng trăm hộ nuôi tôm khác ở các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Hội An, Tam Kỳ, Núi Thành cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Điều đáng nói, phần lớn diện tích tôm chết hàng loạt là tôm đã gần đến thu hoạch nên nhiều người nuôi tôm lâm vào cảnh nợ nần vì đầu tư quá lớn vào tôm.
Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho biết, trong tổng số 18 mẫu bệnh tôm lấy tại các vùng nuôi gửi Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 để kiểm tra thì có đến 14 mẫu bị nhiễm virus đốm trắng.

Dù chưa đến kỳ thu hoạch nhưng trước tình trạng dịch bệnh tràn lan, nhiều người nuôi tôm ở Quảng Nam phải vớt tôm để “chạy dịch”.
Làm liều nên thất bại
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Ngô Tấn, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, cho biết: Bệnh xuất hiện từ trước Tết Canh Dần và đang lây lan nhanh, diện tích hồ tôm bị nhiễm bệnh phần lớn đều thả trước lịch thời vụ và hiện đã được 1 đến 2 tháng tuổi. Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam đã thả 770 ha thì có đến 114,5 ha bị bệnh và chết từ rải rác đến hàng loạt.
Bà Hoàng Thị Kim Yến, Trưởng phòng Kỹ thuật của chi cục phân tích rằng, nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt ở Quảng Nam thời gian vừa qua là bị nhiễm virus đốm trắng tồn lưu trong môi trường. Từ cuối năm 2009, do tâm lý đón giá cao mà người dân đã “làm liều” thả tôm trái vụ một cách tự phát khiến 10 ha đã nhiễm bệnh đốm trắng.
Chính vì thế, khi vụ tôm 2010 bắt đầu từ đầu tháng 3 thì thời gian cắt vụ để thả nuôi theo đúng lịch không lâu nên số diện tích thả đúng thời vụ phải hứng chịu bệnh tồn lưu trong môi trường. Thứ nữa, người dân chủ quan đã không thực hiện đúng quy trình cải tạo ao, xử lý nước, mật độ thả giống quá dày từ 150 đến 200 con/m2 (trong khi theo khuyến cáo của ngành là từ 60 đến 80 con/m2 - PV) khiến môi trường nhiễm chất hữu cơ nặng và đây là môi trường “lý tưởng” để virus đốm trắng phá hoại.
Một nguyên nhân khác nữa là do hầu hết người dân mua giống tôm trôi nổi trên thị trường, không qua kiểm dịch, giống không đảm bảo chất lượng góp phần làm tăng mầm bệnh trong tôm. Cũng theo bà Kim Yến, do nuôi tôm thẻ chân trắng có mật độ quá dày nên mức độ ô nhiễm môi trường cũng cao gấp 10 lần so với nuôi tôm sú trước đây.
Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam có công văn gửi các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thả nuôi theo đúng lịch thời vụ cũng như xử lý kịp thời những ổ dịch. Sở cũng yêu cầu Chi cục Nuôi trồng thủy sản tăng cường kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Thanh tra Sở xử phạt nghiêm những trường hợp không đảm bảo điều kiện theo quy định. Đồng thời tiến hành quan trắc môi trường tại lưu vực sông và giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi, chất lượng tôm giống…
Tuy nhiên, bất chấp khuyến cáo của Chi cục Nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân vẫn “làm liều” tái thả giống dù chưa được sự kiểm soát về môi trường đã khiến dịch bệnh kéo dài, thiệt hại cho hàng trăm hộ dân nuôi tôm khác trong vùng với số tiền tính bằng tỷ đồng.
NGUYÊN KHÔI