Núp bóng đại dịch

Trong khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành thế giới với những diễn biến phức tạp và khó lường thì các phần tử cực đoan đã “lợi dụng triệt để để thúc đẩy các thuyết âm mưu nguy hiểm và tin tức giả... nhằm tìm cách kích động hận thù, bạo lực, phá hoại trật tự công cộng và sự gắn kết cộng đồng”. 

Lợi dụng để truyền bá hận thù 

Theo một báo cáo vừa được Ủy ban Chống khủng bố (CCE) của Anh công bố, dịch bệnh đã không cản trở được các phần tử cực đoan truyền bá các tư tưởng hận thù. Các phần tử cực đoan đã lợi dụng câu chuyện về chia rẽ, bài ngoại và phân biệt chủng tộc trong thời đại dịch nhằm chia rẽ và hủy hoại cấu trúc xã hội nước này. Báo cáo của CCE dẫn chứng một loạt thuyết âm mưu mà các nhóm cực đoan đã lan truyền trên mạng, đồng thời cảnh báo chúng đã lợi dụng các thuyết âm mưu và tin giả nhằm gây chia rẽ cũng như lợi dụng tác động của dịch bệnh đối với kinh tế - xã hội nhằm gây bất ổn, sợ hãi về lâu dài.

Cảnh sát triển khai tại hiện trường một vụ đâm dao ở London, Anh. Nguồn: Reuters/TTXVN
Báo cáo của CCE đưa ra gần như đồng thời với cảnh báo của Bộ Nội vụ Liên bang Đức ngày 9-7, theo đó chủ nghĩa cực hữu, nạn phân biệt chủng tộc và bài Do Thái hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh ở nước này, đặc biệt là tình trạng “sẵn sàng bạo lực” xảy ra ở hầu hết mọi lĩnh vực. Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Horst Seehofe và người đứng đầu Cục Bảo vệ Hiến pháp (BfV - cơ quan tình báo nội địa của Đức) Thomas Haldenwang cho biết, số phần tử cực hữu sẵn sàng sử dụng bạo lực tiếp tục gia tăng. Theo đó, trong số hơn 33.000 đối tượng thuộc diện cực đoan cánh hữu được xác định trong năm 2019 có tới 9.200 đối tượng sẵn sàng sử dụng bạo lực. Trong số các vụ việc liên quan đến hoạt động bài Do Thái, có trên 90% liên quan đến chủ nghĩa cực hữu. 


Bộ trưởng Seehofer nêu rõ chủ nghĩa bài Do Thái, bài ngoại và Hồi giáo tiếp tục là trọng tâm kích động chủ nghĩa cực hữu ở Đức. Bên cạnh đó, nguy cơ từ các phần tử khủng bố Hồi giáo “vẫn ở mức rất cao”, khi có tới gần 650 đối tượng thuộc diện này ở Đức. Riêng tại thủ đô Berlin, các đối tượng cực hữu và cực tả cũng gia tăng các hoạt động bạo lực. 

Cần chiến lược đối phó

CCE kêu gọi Chính phủ Anh cần đảm bảo rằng việc ứng phó với dịch bệnh và các cuộc khủng hoảng trong tương lai có tính đến mối đe dọa không nhỏ của chủ nghĩa cực đoan thù hận. CCE nhấn mạnh việc đầu tư vào công tác chống chủ nghĩa cực đoan và nhanh chóng đưa ra một chiến lược mới là rất quan trọng, đồng thời kêu gọi chính phủ phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương phát triển một chiến lược đối phó với các xu hướng cực đoan.

Trong khi đó, những tháng gần đây, Cục Điều tra tội phạm hình sự Liên bang Đức (BKA) đã phối hợp cơ quan cảnh sát châu Âu và 18 quốc gia trong một hành động chung chống lại việc phát tán các nội dung khủng bố trên Internet. Theo đó, đã xóa bỏ hơn 1.900 liên kết có nội dung khủng bố cực đoan. Đây là lần thứ 2 BKA phối hợp các cơ quan cảnh sát EU hành động chung chống lại nội dung khủng bố trên Internet. Hội đồng Liên bang Đức cũng đã nhất trí thông qua luật mới chống lại chủ nghĩa cực đoan cánh hữu và tội phạm cực đoan trên Internet. 

Tuy nhiên, theo giới quan sát, dường như dân tộc chủ nghĩa đang trỗi dậy trong chiến lược, sách lược phát triển của lãnh đạo các quốc gia siêu cường được coi là một trong những nguyên nhân chính khoét sâu hố ngăn cách giàu nghèo giữa các quốc gia; gia tăng xung đột và sản sinh ra các nhóm vũ trang cực đoan chống lại các chính sách có lợi cho nước lớn. Việc rút lui khỏi nhiều hiệp định thương mại tự do và các tổ chức thương mại đa phương khác nhằm bảo hộ nền kinh tế nội địa của Mỹ, việc Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu... là một ví dụ điển hình nhất của chủ nghĩa dân tộc, vì lợi ích quốc gia, có thể sẵn sàng chà đạp công lý, lẽ phải và gây tổn thương cho các dân tộc khác.

Tin cùng chuyên mục