Trải dài từ Bắc chí Nam, nước ta có hàng trăm danh lam thắng cảnh. Từ những bãi biển thoai thoải xanh ngắt thơ mộng, những hang động hùng vĩ đầy bí ẩn độc nhất vô nhị trên thế giới, những cánh rừng nguyên sinh chưa có dấu chân người, đến những vườn cây trái sum suê quanh năm của vùng sông nước Nam bộ… đã tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ với du khách khắp nơi trên thế giới. Chưa kể đến những công trình kiến trúc độc đáo của các triều đại xưa tồn tại qua hàng ngàn năm lịch sử, hay những phố cổ vẫn sầm uất qua nhiều thế kỷ… chỉ riêng thắng cảnh thiên nhiên đã ban cho ngành công nghiệp không khói của Việt Nam một tiềm năng vô tận.
Những năm gần đây, ngành du lịch nước nhà đã có những bước tiến đáng kể với sự tăng trưởng ở mức 2 con số. Lượng khách quốc tế và trong nước năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, sự tăng trưởng ấy mới chỉ là so với chính chúng ta, chứ chưa thể sánh với hàng xóm láng giềng, và lại càng chưa thể đua với các nước tiên tiến của thế giới.
Quanh một vòng các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines… có thể thấy thắng cảnh thiên nhiên của họ không nhiều, không hùng vĩ và phong phú, nhưng họ vẫn thu hút một lượng du khách gấp hàng chục lần của du lịch Việt Nam. Cho dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang hoành hành, họ vẫn có được doanh thu mà mươi mười lăm năm sau chúng ta vẫn chưa thể đuổi kịp doanh số hiện tại của họ. Điều gì làm cho du lịch Việt Nam chưa thể phát triển mạnh mẽ mặc dù được tạo hóa ưu ái?
Trong rất nhiều nguyên nhân được các nhà quản lý ngành và chuyên gia phân tích thì con người vẫn là “thủ phạm” chính cho sự chậm phát triển, tạo ra những nút thắt của du lịch Việt Nam. Trong một nghĩa hẹp thì đó là những người trực tiếp làm du lịch. Nhưng ở một góc rộng hơn thì gồm cả những người có trách nhiệm ban hành chủ trương chính sách liên quan đến hoạt động du lịch. Rất nhiều đơn vị làm du lịch theo kiểu “ăn xổi ở thì”, không có sự đầu tư nghiêm túc và lâu dài, chỉ tận thu tận hưởng nguồn lợi thiên nhiên mà không có sự bồi đắp tôn tạo, thậm chí còn phá hoại các di sản có một không hai của nhân loại. Sự liên kết, phân tầng để khai thác thế mạnh của các doanh nghiệp du lịch theo kiểu “đắt hàng tôi, trôi hàng bà” hầu như chưa có. Do đó chưa hình thành chuỗi sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, thỏa mãn nhu cầu của du khách, làm giàu cho các doanh nghiệp, cho ngành du lịch và cho đất nước.
Trong quá trình thai nghén những phương thức du lịch hiện đại, từ bỏ cách làm du lịch tủn mủn và tản mạn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách, ngành du lịch rất cần bàn tay “bà đỡ” của nhà nước bằng các chính sách và những quy định cụ thể. Ngoài việc hỗ trợ các đơn vị làm du lịch về vốn, mua sắm phương tiện… nhà nước phải tập trung mở mang và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng như sân bay, bến cảng, đường sá. Đồng thời sử dụng công cụ thuế một cách linh hoạt để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư làm du lịch bài bản, lâu dài. Kiên quyết xử lý những đơn vị và cá nhân xâm hại các di sản thiên nhiên quý báu của quốc gia và nhân loại…
Nếu có sự chuyển biến đồng bộ, từ quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp và cá nhân những người đi du lịch, hy vọng những nút thắt sẽ dần được tháo gỡ, tạo sự phát triển mạnh mẽ, đồng bộ cho hoạt động du lịch trong tương lai.
Phan Lộc