OECD tạo sự công bằng nhờ cải cách thuế

Tiến trình cải cách thuế toàn cầu đã đạt được thành công lớn khi 130 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ngày 2-7 đồng ý về quy định áp mức thuế tối thiểu trên phạm vi toàn cầu và phân bổ lại doanh thu từ thuế đối với các tập đoàn lớn, có lợi nhuận cao.

Bước tiến mạnh mẽ

Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cho biết: “Sau nhiều năm làm việc và đàm phán căng thẳng, kế hoạch cải cách này đảm bảo rằng các công ty đa quốc gia lớn sẽ đóng thuế công bằng ở mọi nơi. Nó cũng đáp ứng các lợi ích khác nhau trên bàn đàm phán, bao gồm cả lợi ích của các nền kinh tế nhỏ và các khu vực tài phán đang phát triển”.

Bộ trưởng Tài chính Liên bang Đức Olaf Scholz cho rằng thỏa thuận là bước tiến mạnh mẽ hướng tới sự công bằng về thuế doanh nghiệp. Trong tương lai, các tập đoàn lớn sẽ phải chia sẻ nguồn tài chính một cách công bằng hơn vì lợi ích chung. Theo Bộ trưởng Scholz, nhiệm vụ hiện tại là thúc đẩy việc triển khai nhanh chóng thỏa thuận đã đạt được ở châu Âu. 

Sự đồng thuận của OECD mở đường cho Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi lớn nhất (G20) thông qua thỏa thuận này tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 dự kiến được tổ chức vào tuần tới tại Italy. Kế hoạch cải cách thuế toàn cầu bao gồm 2 phần. Phần 1 quy định áp mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các doanh nghiệp; phần 2 quy định một loại thuế kỹ thuật số áp dụng cho các doanh nghiệp kỹ thuật số trên toàn cầu.

Việc áp mức thuế tối thiểu 15% có nghĩa là nếu một tập đoàn và các công ty con của mình nộp thuế ở nước ngoài dưới mức tối thiểu, họ sẽ tiếp tục phải nộp khoản chênh lệch so với mức tối thiểu tại chính quốc gia của họ. Từ đó, việc chuyển lợi nhuận sang các quốc gia khác có mức thuế thấp hơn mức tối thiểu sẽ không còn hấp dẫn với các doanh nghiệp nữa. Mức thuế tối thiểu sẽ được áp dụng cho tất cả doanh nghiệp có doanh thu trên 750 triệu EUR.

OECD tạo sự công bằng nhờ cải cách thuế ảnh 1 Các tập đoàn lớn sẽ phải trả nhiều thuế hơn ở các nước

Đáng chú ý là trong phần 2, doanh thu thuế từ doanh nghiệp sẽ được phân phối lại một phần. Cho đến nay, các doanh nghiệp chủ yếu nộp thuế tại quốc gia nơi họ đặt trụ sở. Trong tương lai, việc đánh thuế sẽ được thực hiện nhiều hơn tại nơi mà doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh và tạo ra doanh thu. Ví dụ, các tập đoàn như Apple hay Google sẽ phải trả nhiều thuế hơn ở châu Âu; trong khi các tập đoàn của Đức như Volkswagen sẽ phải trả nhiều thuế hơn ở các quốc gia như Trung Quốc.

Phản ứng tích cực

Sau khi đạt được thỏa thuận trong cả OECD và G20, sẽ còn nhiều bước tiếp theo phải thực hiện. Trong đó, mục tiêu đặt ra là thuyết phục các quốc gia còn lại chưa chấp nhận tiến trình cải cách nhanh chóng tham gia vào tiến trình này, để việc cải cách được thống nhất trên phạm vi toàn cầu, mang lại hiệu quả cao hơn.

Trước mắt, thỏa thuận của OECD đã nhận được sự ủng hộ rất cao. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva bày tỏ sự hào hứng với thỏa thuận nói trên, đồng thời kêu gọi các nước khác tham gia thỏa thuận này. Đức hoan nghênh và xem đây là “một bước tiến lớn khi hướng đến sự công bằng về thuế”, trong khi Pháp cho rằng thỏa thuận trên là “thỏa thuận về thuế quan trọng nhất trong 100 năm qua”.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nhận định việc 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, bao gồm toàn bộ G20, tham gia vào thỏa thuận nói trên, đánh dấu một bước tiến mới trong sứ mệnh cải cách thuế toàn cầu.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: “Cuộc cải cách đánh dấu một bước đi quan trọng trong việc hướng nền kinh tế toàn cầu trở nên công bằng hơn cho người lao động và các gia đình ở tầng lớp trung lưu”. Ông Joe Biden nhấn mạnh rằng việc ban hành một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia “giấu lợi nhuận” ở những nơi đánh thuế thấp.

Tin cùng chuyên mục