Ông bà không đơn độc

Cách đây hơn 10 năm, ông T.H. làm thủ tục tặng em gái là bà T.A. một căn nhà ở TPHCM. Một thời gian dài trước đó, ông H. cho gia đình ông N.P. (cháu gọi ông là cậu ruột) vào ở nhờ, trông coi căn nhà.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nhận quyền quản lý từ anh trai, bà A. đã cho gia đình ông P. tiếp tục sống tại đấy thêm một thời gian. Sau đó, do có nhu cầu về nhà ở nên bà A. bày tỏ ý muốn lấy lại căn nhà. Nghe dì nói, gia đình ông P. trở mặt, không hề có ý định chuyển nhà. Lối cư xử cạn tình của gia đình người cháu buộc bà A. khởi kiện ra tòa.
Gần 10 năm trôi qua, hai anh em bà A. không nhớ nổi số lần mình lên tòa, gian nan theo kiện. Vụ tranh chấp “Đòi nhà cho ở nhờ” kéo dài gần một thập niên chỉ do gia đình bị đơn không hợp tác, luôn tìm cớ thoái thác, thay nhau tránh mặt mỗi khi tòa triệu tập. 
Ở tuổi gần đất xa trời, hai anh em bà A. tay chống gậy, tay dìu nhau vào phòng xử án. Trình bày trước hội đồng xét xử, ông H. giải thích: “Tôi để gia đình nó (tức ông P. - PV) sống trong nhà vì nó hứa sẽ chăm sóc tôi lúc tuổi cao, khi đau yếu. Thật không ngờ, sau khi làm xong giấy tờ, tụi nó lật lọng, bỏ mặc tôi. Chính vì thế, tôi mới quyết định giao em gái trông nom căn nhà”.
Nhắc đến thái độ lạnh nhạt, thờ ơ và lòng tham của gia đình người cháu, bà A. lặng lẽ lau nước mắt, thở dài.
Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm không giấu nỗi bức xúc khi thêm lần nữa, chỉ có một thành viên trong gia đình bị đơn đến dự tòa, những người khác vắng mặt không rõ lý do. Sau mấy giờ chờ đợi, chủ tọa phiên tòa quyết định dừng buổi làm việc. Đây là lần thứ năm, phiên tòa phúc thẩm phải hoãn lại vì bị đơn thiếu tôn trọng người thân, cơ quan pháp luật. 
Được biết, tại những lần xét xử sơ thẩm trước đó, bị đơn (gia đình ông P.) cho rằng lúc đầu, ông H. làm di chúc để lại căn nhà với điều kiện gia đình ông P. chịu trách nhiệm sửa chữa nhà và lo ma chay cho cha ruột ông H.
Bảy anh em ông P. tiêu tốn 23 lượng vàng sửa nhà và 40 lượng vàng lo đám tang. Sau đó, ông H. không giữ lời, hủy di chúc và làm thủ tục tặng tài sản cho người khác. Bị đơn yêu cầu ông H. và bà A. hoàn trả toàn bộ số tiền kể trên thì mới đồng ý trả nhà. Thế nhưng, khi bà A. chấp nhận trả tiền, cấp sơ thẩm xử nguyên đơn thắng kiện thì gia đình ông P. kháng cáo, sau đó nhiều lần né tránh mỗi khi tòa phúc thẩm ra thông báo xét xử.
Mãi đến thời gian gần đây, do bị đơn nhiều lần vắng mặt không rõ lý do, hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Theo phán quyết, gia đình người cháu phải giao trả căn nhà trong thời gian sớm nhất. 
Vụ kiện chấm dứt, ông H. và bà A. nhận những lời chúc mừng, an ủi, cái nắm tay động viên từ nhiều người tham dự phiên tòa. Hai ông bà gửi lời cảm ơn đến những người không tiếc công sức đồng hành, cảm thông với mình trong suốt quá trình dài theo đuổi vụ việc.
Phòng xử đóng cửa, mọi người ra về, giọng bà A. vẫn vang vọng dọc hành lang tòa án: “Chúng tôi tin vào đạo lý và phán quyết công bằng của người thực thi luật pháp. Chính vì thế, dù tình thân không còn, tuổi già côi cút, nhưng chúng tôi biết mình không hề đơn độc”.

Tin cùng chuyên mục