
Ngày ông Hai Châu (Hà Châu) quyết định rời làng quê Hoài Ân (Bình Định) vào TPHCM lập nghiệp, ai cũng bảo ông “liều”! Người ta nói cũng đúng, bởi lúc đó Hai Châu đã 50 tuổi lại không nghề nghiệp thì làm sao trụ được trên đất Sài Gòn đầy bon chen. Ông vẫn quyết định đi và tạo nên sự nghiệp bằng nghề kinh doanh nhà hàng không ai ngờ tới…
Chiều cuối tuần, nhà hàng Hai Châu ở đường Cây Trâm, quận Gò Vấp đông nghẹt khách. Ông bận túi bụi, từ việc nấu các món ăn rồi chạy ngược chạy xuôi tiếp khách. Cả người đẫm mồ hôi nhưng Hai Châu vẫn tươi cười: “Khách quen nhiều lắm, mình không ra tiếp coi hổng được, vì vậy phải tới mỗi bàn một tí”. Nhìn cơ ngơi đồ sộ đang ăn nên làm ra với hệ thống 7 nhà hàng nổi tiếng về “100 món bò”, khó ai ngờ được ông là dân quê và là người tay ngang nhưng lại thành công trong việc kinh doanh nhà hàng đầy khó khăn, cạnh tranh khốc liệt.
Lập nghiệp ở tuổi “tri thiên mệnh”

Ông Hai Châu đang chế biến món ăn.
Sinh ra ở vùng đất Hoài Ân đầy khắc nghiệt, lớn lên ông đi bộ đội rồi sau đó trở về quê làm ruộng và chăn vịt. Làm ăn trầy trật, cuối cùng Hai Châu “khăn gói” vào TPHCM tìm cơ hội. Công việc đầu tiên của ông ở thành phố là mở tiệm sửa xe đạp vỉa hè và làm thêm nhiều nghề khác kiếm sống. Nhiều lúc ế ẩm, cả nhà phải nhịn đói. Thấy không chịu nổi, Hai Châu phải rời TPHCM đi Cai Lậy (Tiền Giang) tìm nghề khác. Chẳng bao lâu, gia đình kêu Hai Châu trở về Bình Định làm nghề ấp vịt và thợ hồ. Được một thời gian, ông đâm ra chán vì không thể làm giàu trên vùng đất khó. Năm 1997, Hai Châu quyết định trở vào TPHCM thử “vận may” lần cuối, bất chấp gia đình can ngăn bởi ông đã 50 tuổi.
Trở lại TPHCM, ông tiếp tục đi làm thuê và buôn bán linh tinh như bánh mì dạo, cơm tấm… dọc các vỉa hè. Thỉnh thoảng, ông cùng những bạn bè đồng cảnh ngộ uống lai rai ở các quán bình dân. Trong lần đi ăn lẩu bò, ông chợt nghĩ tại sao mình không mở quán lẩu bò sẽ dễ kiếm tiền hơn là đi bán bánh mì? Nghe ông nói, vợ con cười ngất bởi xưa nay ông đâu rành gì về nấu ăn mà mở quán. Tuy nhiên, ông vẫn quyết tâm làm cho bằng được.
Nhà không tiền, Hai Châu chạy mượn người quen 500.000đ mua đồ nghề, rồi dọn ra vỉa hè mở quán lẩu bò “di động” ở đường Cây Trâm. Thời gian đầu, không biết nấu nên bị khách chê! Có hôm ế ẩm, dư thịt, hư rau… Hai Châu lỗ trắng. Chẳng bao lâu, tiền mượn hết sạch. Không chịu thua cuộc, ông mượn thêm 500.000đ nữa để duy trì quán, nhưng lại lỗ tiếp. Vợ con cằn nhằn khuyên ông bỏ nghề bởi kinh doanh lĩnh vực ăn uống không hề đơn giản, phải có vốn, mặt bằng, có nghề, quen biết rộng…
Trong khi Hai Châu thì hoàn toàn ngược lại. Suy nghĩ mãi, Hai Châu mượn thêm 500.000đ để làm lần 3, nếu không có khách thì “dẹp tiệm” luôn. Rút kinh nghiệm sau 2 lần thất bại trước, kỳ này Hai Châu đi 4 quán lẩu bò nổi tiếng để ăn thử, học cách nấu của họ ra sao. Trở về ông điều chỉnh cách nấu, trong đó chú tâm làm nước lèo cho ngon, hợp khẩu vị nhiều người. Khách đến ăn thử thấy ngon hơn 2 lần trước, cộng với sự nhiệt tình của ông nên số người đến quán ngày càng đông. Từ 2 cái bàn nhỏ tăng dần lên 8 bàn rồi 10 bàn và 20 bàn… vẫn không đủ chỗ phục vụ khách.
Thương hiệu: 100 món bò Hai Châu
Công việc ngày càng thuận lợi, vỉa hè ở đường Cây Trâm không đủ chỗ, Hai Châu bèn thuê khu vườn gần đó để mở rộng quán. Bên cạnh đó, ông sáng chế thêm nhiều món mới từ bò như sườn bò chiên sả tỏi, bò giả cầy, sụm bò bằm xào ăn với bánh đa, cà ri bò, đuôi bò sốt nấm đông cô, bò Củ Chi cuốn rau rừng… rất hấp dẫn. Từ thịt, lòng, đuôi, móng… được chế biến thành những món xào, chiên, gỏi, nướng, hấp, lẩu, tiềm, hầm… mỗi món đều có hương vị khác nhau. Bí quyết của Hai Châu là các món ăn không hề hôi mùi bò và khi ăn xong không bị dính mỡ trên môi.
Trên 100 món bò đều do ông chế ra chứ hoàn toàn không học trường lớp nào. Ông thường lắng nghe những ý kiến từ khách hàng để rút kinh nghiệm, cộng với đọc sách nhằm hoàn thiện dần từng món ăn. Theo Hai Châu, gia vị cũng rất quan trọng để tạo ngon miệng cho khách, do đó mỗi ngón đều phải có gia vị phù hợp đi kèm. Hai Châu tâm sự: “Từ nấu ăn đến sáng chế món mới, nghiên cứu gia vị… tôi đều làm bằng cả sự tâm huyết, gửi hết lòng đam mê vào đấy.
Niềm vui lớn nhất là được khách hàng chấp nhận và số lượng người đến ngày càng đông”. Từ một quán ọp ẹp ở vỉa hè, Hai Châu nâng dần lên thành nhà hàng quy mô. Không dừng lại, ông thành lập công ty TNHH và đến nay đã có trong tay đến 7 nhà hàng ở các nơi như Gò Vấp, Tân Phú, quận 2… tạo thành một hệ thống nhà hàng Hai Châu được nhiều người biết đến. Ông cũng đăng ký thương hiệu độc quyền cho nhà hàng của mình vào năm 2007.
Lập nghiệp ở tuổi 50 với 2 bàn tay trắng nhưng chẳng bao lâu ông đã là người thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng. Hai Châu cho rằng: “Muốn thành đạt phải có niềm tin vào chính mình, biết nắm bắt cơ hội đúng lúc, quyết đoán công việc một cách sáng suốt và làm việc bằng cả lòng đam mê”. Đối với ông, mỗi lần thất bại là phải rút kinh nghiệm và nung đúc ý chí để vươn lên chứ không vùi đầu vào rượu chè, bê tha… Hiện tại, hệ thống nhà hàng Hai Châu giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Trong đó, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn ở Bình Định, những sinh viên thuộc các trường cao đẳng, đại học đến làm thêm ngoài giờ.
Huỳnh Phước Lợi