

Sau giải phóng, từ một tỉnh kém phát triển, Ninh Thuận đã khai thác những tiềm năng, lợi thế của địa phương, nỗ lực vươn lên đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Ninh Thuận (16-4-1975 – 16-4-2010), Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chí Dũng (ảnh), Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận về những thành quả trong thời gian qua và hướng phát triển sắp tới của tỉnh.
- Phóng viên: Ông có thể khái quát một số kết quả nổi bật của Ninh Thuận trong thời gian qua?
- Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG: Ninh Thuận sau ngày giải phóng và sau khi chia tách từ tỉnh Thuận Hải (1992) hết sức khó khăn, điểm xuất phát kinh tế và trình độ dân trí còn thấp, điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Nhưng với tinh thần đoàn kết nội bộ, tạo sự đồng thuận trong xã hội, kế thừa và phát huy thành quả của các thời kỳ trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Thuận đã phấn đấu với quyết tâm cao, nỗ lực đạt được những thành tựu to lớn và tương đối toàn diện.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đều tăng, nhất là giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 10%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2009 đạt 10 triệu đồng, tăng gấp 7,5 lần so năm 1992. Cơ cấu GDP chuyển dịch đúng hướng. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2009 đạt 580 tỷ đồng, tăng 17 lần so năm 1992. Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt 60 triệu USD tăng gấp 35 lần so với năm 1992.
Trên lĩnh vực xã hội, nổi bật là xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21,3% năm 2005 xuống còn 12,3% vào năm 2009 (bình quân giảm 2,25%/năm) và dự kiến đến cuối năm nay còn 10%. Kinh tế - xã hội miền núi có chuyển biến nhiều mặt: đường giao thông đến trung tâm xã thông suốt, 100% số thôn có điện lưới quốc gia và 80% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% xã có trạm y tế và có trên 50% trạm y tế xã có bác sĩ...
- Xin ông cho biết rõ hơn về định hướng phát huy những lợi thế, tiềm năng đặc thù của địa phương?
- Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới là đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Tỉnh lựa chọn phương án “tăng trưởng nhanh” trong chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo đề xuất của Tập đoàn tư vấn Monitor (Mỹ), trong đó tập trung vào 6 nhóm ngành chính là: Năng lượng sạch, du lịch, nông nghiệp và thủy sản, sản xuất công nghiệp, giáo dục - đào tạo và xây dựng - kinh doanh bất động sản.
Chú trọng xây dựng thương hiệu “Ninh Thuận là điểm đến của Việt Nam trong tương lai” và phát triển theo mô hình “tăng trưởng kinh tế gia tốc” dựa trên 4 giải pháp đột phá là: nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng, phát triển thương hiệu và tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh.

Cừu - vật nuôi đặc trưng ở Ninh Thuận. Ảnh: N.VIÊN
- Tỉnh đã có những bước triển khai cụ thể như thế nào?
- Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Thuận đã thuê Tập đoàn Monitor lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, thuê Tập đoàn Arup (Anh) lập đồ án quy hoạch phát triển thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và quy hoạch dải ven biển của tỉnh. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường giao thông kết nối, tuyến đường ven biển.
Triển khai liên kết với các trường đại học, các trung tâm đào tạo có uy tín trong và ngoài nước để thành lập các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và khu vực. Đồng thời, tỉnh đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước. Nhà máy đầu tiên sẽ khởi công vào năm 2014 theo chủ trương của Quốc hội, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn tới; đầu tư hoàn tất cơ sở hạ tầng 2 khu công nghiệp quy mô 800ha (đã đưa vào quy hoạch khu công nghiệp của cả nước) để thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đến đầu tư.
Với quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tỉnh Ninh Thuận đã quyết định thành lập Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO). Đây là mô hình mới được xây dựng trên cơ sở mô hình của Singapore và ý tưởng của Tập đoàn tư vấn Monitor nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trên tinh thần thân thiện, đồng hành với nhà đầu tư trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
- Chân thành cảm ơn ông!
NAM VIÊN (thực hiện)