Ông Phan Văn Vĩnh “bảo kê” đường dây đánh bạc như thế nào?

Trong số 105 bị can bị khởi tố và 92 bị can bị đề nghị truy tố, ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đều bị bắt giam, đề nghị truy tố với tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ông Phan Văn Vĩnh bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ
Ông Phan Văn Vĩnh bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ
Trong kết luận điều tra vụ án “Tổ chức đánh bạc, đánh bạc, rửa tiền, mua bán hóa đơn trái phép, sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn” với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đã làm rõ những sai phạm nghiêm trọng của ông Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) và ông Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50).
Cố tình bao che hoạt động cờ bạc
Trong số 105 bị can bị khởi tố và 92 bị can bị đề nghị truy tố, ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đều bị bắt giam, đề nghị truy tố với tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Qua điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ làm rõ, ông Vĩnh và ông Hóa đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để chỉ đạo cấp dưới tham mưu ban hành quyết định về việc sử dụng Công ty Phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) làm công ty bình phong thuộc C50 là trái với quyết định của Bộ Công an. Không chỉ vậy, Công ty CNC do Nguyễn Văn Dương làm Chủ tịch HĐQT còn thuê được cả trụ sở ở số 10 phố Hồ Giám (quận Đống Đa, TP Hà Nội) do Tổng cục Cảnh sát quản lý, khiến các đơn vị chức năng lầm tưởng Công ty CNC là công ty nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát. Với sự bao che, giúp đỡ của 2 ông Vĩnh và Hóa, Nguyễn Văn Dương và đồng phạm đặt nhiều trang thiết bị viễn thông, máy chủ tại trụ sở Công ty CNC, ngang nhiên tổ chức đánh bạc trên mạng qua game bài Rik.vip/Tip.clup thu hút được hàng chục triệu tài khoản người chơi tham gia, với số tiền đánh bạc trực tuyến lên tới hơn 9.853 tỷ đồng. Nghiêm trọng hơn, khi biết Công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, không những không ngăn chặn, xử lý, ông Vĩnh còn ký văn bản đề nghị Bộ TT-TT tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty CNC hoạt động và cấp giấy phép cho vận hành game đánh bạc của doanh nghiệp này. Cùng với đó, chỉ đạo ông Hóa ký văn bản báo cáo đề xuất lãnh đạo Bộ Công an cho CNC tiếp tục tổ chức vận hành cổng trò chơi đổi thưởng game bài Rik.vip/Tip.club. Khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện Công ty CNC vận hành 2 game bài đánh bạc trá hình có dấu hiệu vi phạm pháp luật, yêu cầu có báo cáo thì ông Vĩnh không chấp hành ý kiến chỉ đạo. Đến khi có văn bản lần thứ 2 sau 50 ngày, ông Vĩnh mới chỉ đạo C50 tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, nhưng đã chỉ đạo cấp dưới báo cáo không đúng sự thật, cũng như  không ngăn chặn hành vi tổ chức đánh bạc liên quan Công ty CNC. Trong quá trình điều tra vụ án, ông Vĩnh cũng chưa thực sự hợp tác, thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội, vẫn tìm cách che giấu và trốn tránh trách nhiệm hình sự. Khai nhận về mục đích Công ty CNC thuê trụ sở tại phố Hồ Giám và tổ chức đánh bạc, ông Vĩnh cho rằng là “để tạo nguồn thu từ hoạt động thí điểm này được dùng để đầu tư, xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng là một nhiệm vụ chiến lược của C50”. Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra làm rõ, trong hơn 2 năm CNC tổ chức đánh bạc thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng, không có khoản tiền nào từ hoạt động cờ bạc này được đầu tư cho hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng, ngoại trừ khoản tiền 700 triệu đồng và một bộ phần mềm diệt virus Symantec trị giá 30.000USD cho C50.Đồng hồ 7.000USD, mua 1,1 tỷ đồng? Về hành vi “đưa hối lộ” mà bị can Nguyễn Văn Dương và Lưu Thị Hồng (Tổng giám đốc CNC) bị khởi tố, trong quá trình điều tra vụ án, bị can Dương khai nhận đưa cho ông Phan Văn Vĩnh 1 đồng hồ Rolex giá 7.000USD, 27 tỷ đồng và hơn 1,7 triệu USD. Tuy nhiên, ông Vĩnh chỉ thừa nhận được Dương tặng 1 chiếc áo sơ mi, 1 lọ thuốc bổ gan, hỗ trợ cho Tổng cục Cảnh sát trong các chương trình giao lưu, làm từ thiện với số tiền khoảng 1,1 tỷ đồng... Ông Vĩnh thừa nhận đã mua chiếc đồng hồ Rolex trên và trả cho Dương số tiền 1,1 tỷ đồng.  Tuy nhiên, kết luận điều tra vụ án chỉ rõ, bản thân Dương là người phụ thuộc nên không có sự mua bán ở đây. Trong khi đó, ông Vĩnh là thủ trưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an, 1 tháng lương của ông Vĩnh với cấp hàm trung tướng là 20 triệu đồng. Vậy số tiền 1,1 tỷ đồng ông Vĩnh mua đồng hồ Rolex bằng 55 tháng lương, tương đương với 4 năm 7 tháng không chi tiêu gì. Mặt khác, Dương không phải anh em họ hàng thân thiết với ông Vĩnh. Từ căn cứ trên, Cơ quan An ninh điều tra có đủ cơ sở kết luận ông Vĩnh được Dương cho chiếc đồng hồ Rolex là đúng. Bộ Công an cũng cho biết, do tính chất phức tạp của vụ án, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật ở giai đoạn 2 của vụ án đối với các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu liên quan đến hành vi tổ chức đánh bạc, đánh bạc, rửa tiền, mua bán trái phép hóa đơn, đưa và nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
 Kết luận điều tra cũng xác định, đối với các ông: Nguyễn Công Sơn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Võ Tuấn Dũng (nguyên Phó cục trưởng Cục C50) và 10 cán bộ khác thuộc Bộ Công an, Công an Hà Nội đã được Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến - VTC Online) khai cho tiền nhưng không có nhân chứng và những cán bộ liên quan này không thừa nhận. Cơ quan An ninh điều tra thấy không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên đề nghị Bộ Công an và Công an Hà Nội xem xét xử lý hành chính. Trong số những cán bộ công an có liên quan tới vụ án này, ông Võ Tuấn Dũng đã đột tử tại trụ sở làm việc sáng 4-5 vừa qua.

Tin cùng chuyên mục