Paris chuẩn bị đương đầu những trận lụt thế kỷ

Paris chuẩn bị đương đầu những trận lụt thế kỷ

Thủ đô Paris nước Pháp và vùng phụ cận (gọi chung là Ile-de-France) có 12 triệu dân, là nơi làm ra 1/4 lượng của cải của cả nước Pháp. Bảo vệ Paris chống lại thiên tai, địa họa mang tầm chiến lược quan trọng. Trận lụt lịch sử tháng 1-1910 khiến thành phố bị tổn hại nặng nề. Lần này, một thế kỷ sau, Paris có kế hoạch chủ động đương đầu với lụt lội nếu điều này lại xảy đến…

Chắc chắn sẽ lụt, chỉ không biết khi nào xảy ra

Paris chuẩn bị đương đầu những trận lụt thế kỷ ảnh 1

Sông Seine ở Paris

Trung bình cứ 100 năm thì có 3 lần nước sông Seine dâng lên rất cao. Vì thế, đấy không phải là một hiện tượng gì cá biệt, chỉ có điều người ta không biết nó sẽ xảy đến khi nào mà thôi. Hằng ngày, các chuyên gia thuộc Ủy ban bảo vệ Paris phân tích các bản dự báo thời tiết và so sánh mực nước sông Seine với các mốc được khắc trên cột trụ phía Nam của cây cầu Austerlitz.

Theo đại tá Gérard Charguellon, “đó là cách đo lường chính xác nhất”. Hiện tại, dòng sông đang “thiu thiu” ở độ cao 1m nước. Theo sơ đồ hành động của Tổ chức phản ứng phòng vệ dân sự, các chuyên gia quản lý tình huống nguy hiểm của ủy ban giữ mối liên lạc thường xuyên với 300 người có trách nhiệm trong những lĩnh vực quan trọng như giao thông, thông tin liên lạc hay năng lượng.

“Bối cảnh” sinh ra lụt lội lớn như điều từng xảy ra năm 1910 đã được biết: Những cơn vần vũ trong bầu khí quyển kéo dài nhiều ngày, bao trùm lên bầu trời nước Pháp từng lớp mây đen nặng trĩu. Rồi những cơn mưa cực lớn cùng lúc rớt xuống dãy núi Morvan, bình nguyên Langres và vùng thượng nguồn La Marne, làm các con sông Yvonne, Marne, Aube và sông Seine ứ nước. 5 đến 8 ngày sau, đến lượt Paris bị lụt.

Ở độ cao 3,5m (mức báo động vàng) so với mực nước trung bình của sông Seine được ghi nhận theo thang đo ở cầu Austerlitz, các bến sông bắt đầu bị ngập. Việc đi lại ven sông có khúc bị đình chỉ. Ở 5,5m, ủy ban bảo vệ phát tín hiệu báo động, giám đốc cơ quan cảnh sát Paris điều khiển các hoạt động, trong khi bộ phận đầu não chống khủng hoảng đặt tại một hầm ngầm trong lòng đất bắt đầu làm việc.

50.000 người sẽ phải đi sơ tán

Paris chuẩn bị đương đầu những trận lụt thế kỷ ảnh 2
Cầu Sully trên sông Seine trong trận lụt 1910

Ở độ cao 6m (báo động đỏ), Tổng cục Đường sắt Pháp SNCF sẽ làm ngập tuyến tàu điện ngầm RER C, khúc từ bến Javel tới ga Austerlitz, phòng ngừa nó có thể bị phá hủy bởi sức ép của nước sông Seine. Về phần mình, Công ty Giao thông công cộng vùng Paris RATP đồng loạt đóng 477 cửa cống nằm trên mạng lưới giao thông. Ngoài ra, 800 nhân viên sẵn sàng “trám” mọi chỗ “thủng” với sự trợ giúp của các khối bê tông, vật liệu đã được bố trí sẵn ở Sucy-en-Brie.

Ở độ cao 8,6m, là mực nước cao nhất đạt được năm 1910, 360.000 dân Paris sẽ không còn được sưởi ấm do các phân xưởng sản xuất hơi nước nằm bên bờ sông Seine bị ngưng hoạt động. Máy bay trực thăng, cầu phao, ca nô nệm hơi triển khai 10.000 binh sĩ thuộc kế hoạch “Neptune” tới bảo vệ những vùng người dân đã đi sơ tán, tránh tình trạng trộm cắp, “hôi của”.

Nếu lưu lượng sông Seine tăng thêm 15% nữa, theo tính toán của các chuyên gia, nước sẽ làm ngập Bộ Tài chính, sân vận động Bercy (quận 12), ga Austerlitz (quận 13), Đài phát thanh, Bệnh viện Georges-Pompidou (quận 15), một phần quận 16, 21 đại sứ quán, trong đó có Đại sứ quán Mỹ, các viện bảo tàng Orsay, Branly và Louvre. Ở tòa nhà Quốc hội, nơi các nghị sĩ đến họp bằng thuyền năm 1910, bản Confessions viết tay của Rousseau đã được dời lên tầng hai đề phòng bất trắc. Giống như hệ thống thông tin liên lạc và tin học của phủ tổng thống ở điện Elysée.

Trong trường hợp nghiêm trọng nhất, khoảng 50.000 người phải đi sơ tán, 70.000 chiếc giường cơ động được đặt trong các phòng tập thể dục của thành phố dành cho họ. 8 cơ quan bộ, trong đó có Bộ Nội vụ, phải sơ tán một phần. 9 tàu hỏa con thoi đi lại hằng ngày giữa Paris với Vosges, Alpes và Massif Central (các vùng núi) để cung cấp nước ngọt cho dân, với tiêu chuẩn 2 lít/người/ngày. Chừng một tuần lễ nước mới rút hết, để lại thứ mùi không mấy dễ chịu. Phải mất nhiều tháng sau mọi chuyện mới trở lại bình thường. Nhưng trái tim của Paris không bao giờ được ngừng đập…

NHỊ BÌNH (theo Le Figaro)
(SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục