Ngày 22-10, TAND tỉnh Bình Định đã đưa vụ án phá rừng tại tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão, tình Bình Định) ra tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm, sau 2 lần tạm hoãn và trả hồ sơ điều tra bổ sung…
Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 24-7, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ theo đề nghị của các bị cáo, để cơ quan điều tra tiếp tục điều tra bổ sung, xác định lại diện tích, khối lượng, giá trị rừng bị thiệt hại.
Theo đại diện VKSND tỉnh Bình Định, sau khi xác định lại thiệt hại rừng, thấy rằng, diện tích, khối lượng, giá trị rừng bị thiệt hại không có gì thay đổi; trên cơ sở đó, VKSND tỉnh đề nghị giữ các nội dung truy tố, theo cáo trạng ban đầu.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Định, từ tháng 7-2015 đến tháng 9-2017, 9 đối tượng trên đã có hành vi phá rừng trái phép tại khoảnh 7 và khoảnh 8, tiểu khu 1, xã An Hưng. Tổng diện tích rừng bị phá 64,18ha; trong đó có 25,87ha rừng có chức năng phòng hộ và 38,31ha rừng có chức năng sản xuất; trữ lượng rừng bị thiệt hại 5.522,20m³, tổng giá trị rừng bị thiệt hại là 4.792.800.600 đồng. Các đối tượng phá rừng, chia làm nhiều nhóm: Cả 9 bị cáo tại phiên tòa. - Nhóm 1, Lê Văn Thiệt (56 tuổi, ở xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, và Nguyễn Văn Ri, dưới sự chỉ đạo của Thiệt, Ri thuê người chặt phá 37,53ha rừng sản xuất (gây thiệt hại 1,94 tỷ đồng); - Nhóm 2, Lê Hồng Đức (41 tuổi), Lê Xuân Hậu (32 tuổi), Nguyễn Nguyên Thực (34 tuổi) và Võ Dần (69 tuổi, cùng ở xã Hoài Sơn), tổ chức phá 17,81ha rừng phòng hộ (gây thiệt hại 1,93 tỷ đồng); - Nhóm 3, gồm Văn Ngọc Triển (49 tuổi) và Nguyễn Cứ (54 tuổi, cùng ở xã Hoài Sơn) đứng ra chung tiền, thuê người phá 6,99ha từng (trong đó rừng có chức năng phòng hộ là 6,21ha và 0,78ha rừng có chức năng sản xuất, gây thiệt hại hơn 714 triệu đồng); - Cá nhân bị cáo, Phan Dễ (58 tuổi, ở xã Hoài Sơn), tự ý phát 1,85 ha rừng để trồng keo. |
Tại phiên tòa lần này, bị cáo Lê Văn Thiệt đã thừa nhận hành vi tổ chức phá rừng trái pháp luật của mình tại tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão).
Bị cáo Thiệt, cũng khai nhận, đã chỉ đạo bị cáo Nguyễn Văn Ri phát đốt rừng để trồng cây keo tràm, phục vụ mục đích cá nhân của mình. Đồng thời bị cáo Thiệt chấp nhận, chịu trách nhiệm bồi thường số tiền 1,94 tỷ đồng cho bị hại là UBND xã An Hưng, nộp ngân sách (bị cáo Thiệt nộp trước số tiền ban đầu 500 triệu đồng).
Trong khi đó, ban đầu, bị cáo Nguyễn Văn Ri tiếp tục kêu oan, cho rằng chỉ làm thuê chứ không phải phá rừng; cũng không hề có hợp đồng với ông Thiệt.
Ngoài ra, một số bị cáo cũng cho rằng, kết quả đánh giá thiệt hại rừng, quy ra tiền yêu cầu các bị cáo phải bồi thường là quá lớn; đề nghị HĐXX xem xét lại để giảm nhẹ cho các bị cáo hoặc xem xét lại mức giá thiệt hại rừng bị phá.
Đại diện người bào chữa cho bị cáo là các luật sư cho rằng, hồ sơ vụ án vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng hình sự. Trong khi, không đưa các bị cáo đến hiện trường để điều tra bổ sung, đo đạc, đánh giá lại diện tích rừng bị phá; luật sư bào chữa cho rằng, các quyền của bị cáo chưa được đảm bảo, chưa được giải thích thấu đáo; căn cứ buộc tội các bị cáo là tờ bản đồ vị trí rừng bị tàn phá chưa rõ ràng, cụ thể; trách nhiệm bảo vệ rừng của bị hại là UBND xã An Hưng và cơ quan quản lý Nhà nước vẫn không được làm rõ để truy cứu hình sự;...
Từ đó, các luật sư bào chữa tiếp tục yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung, đánh giá lại diện tích, giá trị rừng bị thiệt hại; đình chỉ xét xử vụ án…
Trong khi đó, đại diện VKSND tỉnh Bình Định tranh luận, không phải vụ án nào cũng đưa bị cáo, nhân chứng đi thực tế giám định hiện trường. Vụ án này, diện tích rừng bị phá rất lớn nên chỉ dùng phương pháp định vị GPS để xác định diện tích thiệt hại.
Cũng theo vị đại diện VKSND tỉnh Bình Định, sau khi điều tra bổ sung thấy diện tích rừng bị phá vẫn giữ nguyên thì không nhất thiết phải đưa bị cáo, nhân chứng đi thực tế hoặc thông báo cho các bị cáo biết. Còn đối với tội hủy hoại rừng chỉ căn cứ vào diện tích rừng bị phá để định tội, còn định giá là để tính bồi thường thiệt hại.
Qua đó, HĐXX nhận định rằng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định, điều tra viên, Viện KSND tỉnh Bình Định trong quá trình điều tra, truy tố vụ án đã thực hiện đúng thẩm quyền, đúng trình tự, quy định, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ngoài ra, khi chủ tọa phiên tòa hỏi lại các bị cáo thì tất cả đều thừa nhận hành vi phá rừng của mình; các bị cáo và những người có quyền lợi liên quan không có ý kiến khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng do đó không xem xét việc có vi phạm luật tố tụng hình sự hay không. Các bị cáo cũng đề nghị tiếp tục xét xử, xem xét giảm hình phạt cho các bị cáo.
Xét thấy sự thành khẩn của các bị cáo; các bị cáo đều có nhân thân, lý lịch tốt; đều đã bồi thường số tiền thiệt hại ban đầu cho bị hại là UBND xã An Hưng, nên HĐXX chấp nhận xem xét các tình tiến để giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo.
Riêng đối với việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của các cán bộ kiểm lâm tại huyện An Lão và huyện Hoài Nhơn; HĐXX cho biết, không có quyết định khởi tố hình sự nên không đem ra xét xử tại vụ án này.
Tiếp tục điều tra thêm các đồng phạm Tại phiên tòa, HĐXX nhận thấy, liên quan đến vụ án phá rừng tại tiểu khu 1, xã An Hưng, còn có nhiều đồng phạm là cán bộ, lãnh đạo tại Công ty CP Đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo. Cụ thể, là các ông Lê Đức Thảo (là con trai của ông Lê Văn Thiệt); bà Hồ Thị Thùy Linh (Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo); ông Đoàn Sa (quản đốc Công ty CP Đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo). Theo HĐXX, các đồng phạm sẽ được Cơ quan CSĐT tiếp tục điều tra để làm rõ dấu hiệu bao che cho hành vi phá rừng; sẽ được đưa ra xét xử ở một vụ án khác. |