Ngày 9-8, UBND TPHCM tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải trên địa bàn TPHCM. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP, cùng lãnh đạo các sở, ban ngành và các nhà đầu tư.
Hơn 73.000 tỷ đồng thực hiện các dự án
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, mục tiêu của trung tâm là tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm TP và một phần của 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550km² với khoảng 6,5 triệu dân. Đồng thời cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường thành phố.
Theo ông Dũng, tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 là 73.411 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách thành phố 16.338 tỷ đồng; ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu 588 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa (PPP) 20.283 tỷ đồng; vận động nguồn ODA (kết hợp PPP) 6.152 tỷ đồng.
Cụ thể, có 7 dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tây Sài Gòn (quận 12, Tân Phú, Gò Vấp, Tân Bình) với tổng mức đầu tư dự kiến 7.700 tỷ đồng; lưu vực Bình Tân 9.804 tỷ đồng; lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm 6.395 tỷ đồng; lưu vực Bắc Sài Gòn 1 dự kiến 5.544 tỷ đồng; lưu vực Bắc Sài Gòn 2 dự kiến 5.100 tỷ đồng; lưu vực rạch cầu Dừa 5.000 tỷ đồng; lưu vực Tây Bắc 6.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có 6 dự án cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch gồm: dự án xây dựng kè bờ kênh và hạ tầng kỹ thuật hai bên kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; xây dựng hệ thống thoát nước mưa và ngăn triều lưu vực từ cầu Tham Lương đến sông Chợ Đệm; nạo vét trục thoát nước rạch Thủ Đào; nạo vét trục thoát nước rạch ông Bé; nạo vét trục thoát nước rạch Thầy Tiêu; cải tạo hệ thống kênh Vĩnh Bình; dự án đê bao và các cống kiểm soát triều vòng ngoài của TP và các hồ điều tiết.
Trên cơ sở các dự án và dự kiến nguồn vốn triển khai giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM kêu gọi các bộ ngành, các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu, đề xuất giải pháp đầu tư các dự án thuộc chương trình giảm ngập nước của TP bằng hình thức đối tác công - tư với các loại hợp đồng BOT - BTO - BTL - BLT. Đây là các loại hợp đồng thực hiện có kết hợp quá trình xây lắp, vận hành (thuê dịch vụ), chuyển giao, trong đó chi phí đầu tư và vận hành (thuê dịch vụ) sẽ được chi trả bằng nguồn thu từ giá dịch vụ thoát nước.
Đối với hợp đồng BT, TP tận dụng quỹ đất sẵn có, khai thác quỹ đất tại chỗ của dự án và đấu giá đất làm nguồn thu để thực hiện các dự án như cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch và các cống kiểm soát triều vòng ngoài của TP.
Áp dụng công nghệ mới
Bàn về các giải pháp, Chủ tịch Công ty CP phát triển hạ tầng kỹ thuật VMCtech Trần Văn Chín cho biết, hiện TPHCM có khoảng 6.000km cống tại lưu vực nghiên cứu 650km² cần đầu tư. VMCtech đã đưa hệ thống máy khoan ngầm thi công hệ thống thoát nước hay công trình ngầm trên địa bàn TP thời gian qua. Ưu điểm của công nghệ này là giảm ô nhiễm, ít tác động tiêu cực đến môi trường, không gây cản trở giao thông, hạn chế tối đa việc phải giải tỏa nhà dân.
Công nghệ ứng dụng trên phạm vi rộng, có tính kết nối tốt với đô thị hiện hữu và đô thị mới, có khả năng di dời và tái sử dụng nhiều lần. Chi phí đầu tư thấp hơn so với các giải pháp khác, linh hoạt trong đầu tư phân kỳ vốn. Mấu chốt là giải quyết hiệu quả giảm ngập cục bộ. Ngoài ra, VMCtech đã sử dụng công nghệ mới xây dựng hồ điều tiết ngầm bằng các mô đun cross-wave. Ưu điểm dễ thi công tháo lắp, có thể áp dụng tại các khu vực mặt bằng nhỏ hẹp, không gian trữ nước lên tới 90% và thân thiện môi trường.
Về xử lý nước thải, đại diện Công ty Xúc tiến thương mại & đầu tư Sao Khuê cho biết đã thử nghiệm thành công hệ thống xử lý nước thải tại chỗ của CHLB Đức tại Việt Nam. Công nghệ này lắp đặt trong vòng 6 tháng, tiết kiệm 30% chi phí xây lắp và vận hành mà không can thiệp vào hệ thống thoát nước hiện có, không can thiệp vào mạch nước ngầm.
Chia sẻ về cảnh báo ngập, đại diện Công ty tư vấn Haskoning (Hà Lan) cho rằng, để giảm thiểu rủi ro do tình trạng ngập nước cần phải kết hợp các giải pháp mang tính tổng hợp như quản lý không gian cho nước, hồ chứa, chuyển hướng dòng chảy; xây dựng cổng thông tin dữ liệu trang web để mọi người có thể truy cập về số liệu đo, dự báo, bản đồ số, số liệu cảnh báo ngập…
Về nguồn vốn, đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, TPHCM làm sao để huy động được nguồn vốn và công nghệ mới. Trong khi đó, đầu tư vào các dự án chống ngập rủi ro cao. Vì vậy, huy động vốn làm sao phải đảm bảo bù vào các khoản khác mà để thu hút được nguồn tư nhân không cách nào khác sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Vậy TP làm thế nào để cùng hợp tác chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư. Hiện ADB đã và đang xây dựng liên minh nhằm giúp TP huy động vốn, giải quyết nạn ngập nước, ô nhiễm môi trường, hạ tầng... để người dân có cuộc sống tốt hơn. ADB đang tham gia thực hiện dự án lưu vực Tham Lương - Bến Cát khoảng 8.000 tỷ đồng. Về thủ tục, đại diện Công ty Lotte Hàn Quốc Ha Suk Joo đề nghị TPHCM giải quyết nhanh khâu thủ tục để công ty thực hiện nhanh dự án nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa và các dự án khác.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, hiện nay nguyên nhân gây ngập có nhiều, trong đó đáng chú ý là việc phát triển đô thị không đúng gây ra tình trạng ngập nước. Từ thực tiễn TPHCM là một đô thị chưa hoàn chỉnh. Do vậy, ngập có nhiều nguyên nhân nhưng không có nguyên nhân tổng thể cho ngập. Vì vậy, việc giải quyết ngập ở từng vị trí phải xác định rõ từng nguyên nhân để có giải pháp giải quyết cụ thể. TPHCM lắng nghe, tiếp thu và chọn lựa nhà đầu tư cũng như công nghệ trên cơ sở phải xác định được nguyên nhân gây ngập ở từng vị trí để giải quyết. Theo đó, sẽ điều chỉnh lại quy hoạch thoát nước của TP cũng như có bản đồ mô phỏng tình hình ngập của TP để nhận diện, đánh giá, tìm giải pháp.