Luật Khiếu nại - Tố cáo đã được xây dựng lại, tách riêng thành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. Nhưng trên thực tế, đến nay nhiều người vẫn còn chưa phân biệt về quyền khiếu nại và quyền tố cáo. Sự nhầm lẫn này không những gây khó khăn cho người giải quyết, mà còn làm ảnh hưởng quyền hợp pháp của công dân.
Xã hội tiến bộ, mối quan hệ giữa người dân với nhà nước, và các mối quan hệ giữa người dân với nhau ngày càng mở rộng, thì khiếu nại và tố cáo sẽ nhiều hơn. Nhà nước đã xây dựng Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo nhằm tạo hành lang pháp lý cho người dân thực hiện quyền công dân khi thấy lợi ích hợp pháp của mình, của cộng đồng, của nhà nước bị xâm phạm. Văn bản luật đã chia tách khiếu nại và tố cáo, nội dung hai luật đã minh bạch rõ để người dân thực hiện tốt quyền của mình. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân lẫn lộn, đánh đồng giữa hai luật, đã dẫn đến bất cập trong việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Việc người dân không phân biệt rõ giữa khiếu nại và tố cáo được thể hiện rõ trên trên hình thức văn bản, người dân thường dùng tiêu đề “đơn khiếu tố” hoặc “ đơn cứu xét”, thay vì viết rõ theo quy định là “đơn khiếu nại” hay “đơn tố cáo”. Không chỉ nhập nhằng về hình thức, mà nội dung cũng có sự chồng lấn. Vì thế, đã xảy ra tình trạng người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo nhiều nơi mà không đơn vị nào giải quyết dứt điểm, và không ít trường hợp người dân vô ý bị vi phạm pháp luật. Khi người dân còn nhầm lẫn giữa quyền khiếu nại và quyền tố cáo, không những tự làm mất quyền của mình, mà còn làm khó cho cơ quan chức năng, người giải quyết khiếu nại tố cáo.
Vì thế, trước khi thực hiện quyền của mình người dân phải nắm vững kiến thức pháp luật để quyết định khiếu nại hay tố cáo. Điều 2 Luật Khiếu nại đã quy định: Khiếu nại là việc của công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Điều 2 Luật Tố cáo quy định: Tố cáo là việc công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại về lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Như vậy, điểm chung ở đây là người dân có quyền khiếu nại và tố cáo theo luật định. Điểm khác biệt cơ bản là người dân chỉ khiếu nại khi thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm; còn tố cáo thì quyền của công dân rộng hơn. Người dân có quyền tố cáo khi thấy quyền lợi của cá nhân, tổ chức, nhà nước bị hoặc có dấu hiệu bị xâm phạm.
Theo quy định của Luật Khiếu nại cũng như Luật Tố cáo, sau khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, người giải quyết khiếu nại, tố cáo phải xem xét, làm rõ và ban hành quyết định trả lời khiếu nại, tố cáo. Luật Tố cáo có quy định biện pháp chế tài đối với người tố cáo. Điều 9 Luật Tố cáo quy định, người tố cáo phải bồi thường thiệt hại do hành vi tố cáo sai sự thật của mình gây ra. Quy định này đã buộc người dân suy nghĩ kỹ, cân nhắc trước khi đặt bút ký đơn tố cáo. Người tố cáo sai, gây thiệt hại cho người khác phải chịu bồi thường thiệt hại và có thể sẽ bị xử lý hình sự nếu vi phạm nặng.
TRẦN YÊN