Phản hồi bài “Thảm họa ma túy đá”: Cần linh hoạt nhiều biện pháp

Báo SGGP số ra ngày 14-10 đăng bài viết “Thảm họa ma túy đá”, phản ánh tác hại cũng như những hệ lụy khôn lường của ma túy đá, trong khi đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Chúng tôi ghi nhận ý kiến của một số cơ quan hữu quan và người dân về giải pháp cho vấn đề này.

Bà Ung Thị Xuân Hương Chánh án TAND TPHCM: Chưa hiệu quả vì luật chưa cụ thể

Để kéo giảm số người nghiện, nhất là nghiện ma túy đá phát sinh, đồng thời sớm đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, TAND TPHCM đã triển khai Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định các biện pháp xử lý hành chính và các văn bản có liên quan. TAND TP cũng đã tổ chức tập huấn chuyên đề “Việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND” đến tất cả các thẩm phán, thẩm tra viên và thư ký của TAND 2 cấp tại TPHCM. Sau 9 tháng triển khai, đến nay TAND TP chỉ thụ lý được 6 trường hợp (5 hồ sơ ở quận 9 và 1 hồ sơ tại quận 12). Sở dĩ kết quả thực hiện còn quá thấp là do quá trình triển khai Pháp lệnh 09 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, với trường hợp người nghiện đã được đưa vào các trường cai nghiện, hết thời gian cai nghiện, khi tái hòa nhập cộng đồng lại tái nghiện hiện vẫn chưa có phương án thống nhất giữa 2 cách xử lý là: tiếp tục đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hay ban hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường trước theo quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đã vậy, thời hạn tống đạt niêm yết theo thủ tục Luật Tố tụng hành chính là 15 ngày không kịp giải quyết vụ việc. Ngoài ra, trường hợp đã tống đạt trực tiếp quyết định mở phiên họp cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng họ vắng mặt tại phiên họp thì tòa cũng chưa biết giải quyết sao, vì luật không quy định cụ thể.

Rồi thời gian cơ quan công an, tổ chức xã hội tạm giữ, lưu giữ chờ quyết định của tòa án có áp dụng các biện pháp xử lý hành chính có tính vào thời hiệu giải quyết, luật cũng không nêu. Một khi luật chưa cụ thể, không rõ ràng thì người thực hiện sẽ dè dặt, khó khăn trong thực hiện. Để kéo giảm số người nghiện, hạn chế tội phạm phát sinh do đối tượng nghiện gây ra, ngay từ bây giờ, các cơ quan ban hành luật phải sớm hoàn thiện, cụ thể các quy định trong luật.

Thiếu tá Lê Hữu Phước Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Công an quận 8: Càng chờ, tội phạm càng tăng!

Quận 8 là một trong những địa phương “nóng” về người nghiện ma túy tại TPHCM. Thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn quận có khoảng 1.483 người nghiện. Tỷ lệ số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến người nghiện ma túy (chủ yếu là ma túy đá) hàng năm khoảng 13% - 15%. Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ này tăng đột biến lên gần 30%. Nguyên nhân tăng xuất phát từ việc ách tắc trong việc đưa người nghiện vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc. Thực tế này đang khiến tình hình an ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp. Hầu hết người nghiện thuộc thành phần lười lao động, ít trình độ, khi chưa được chữa bệnh, mức độ nghiện sẽ càng tăng.

Không việc làm, không thu nhập, để giải tỏa cơn nghiện, không còn cách nào khác con nghiện phải đi trộm cắp. Trộm cắp không được, người nghiện sẽ tìm cách cướp giật. Cướp giật không đủ tiền “phê”, chúng sẽ giết người cướp tài sản. Nắm bắt được thực tế trên, từ đầu năm 2014 đến nay, Công an quận 8 đã chủ động rà soát, theo dõi chặt chẽ địa bàn; phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở quận và các phường tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong cảnh giác, phòng chống tội phạm... Tuy nhiên, các việc làm trên cũng chỉ ngăn chặn phần nào, còn số người nghiện thì vẫn còn đó, thậm chí phát sinh nhiều người nghiện mới. Các cơ quan cấp trên cần sớm tháo gỡ ách tắc từ Luật Xử lý vi phạm hành chính để công tác đưa người nghiện vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc sớm được thực hiện. Nếu việc này càng chờ lâu thì tội phạm chắc chắn sẽ càng gia tăng, tác động xấu đến xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn Nguyên sĩ quan quân đội, ngụ phường Thạnh Lộc, quận 12:  Lực lượng chức năng phải năng động, trách nhiệm hơn

Trong khi chờ tháo gỡ ách tắc từ Luật Xử lý vi phạm hành chính, để kéo giảm số người nghiện, nhất là nghiện ma túy, tội phạm phát sinh, theo tôi lực lượng công an, dân phòng, dân quân ở các địa phương cần tích cực, năng động hơn trong công việc, nhiệm vụ. Vì hơn ai hết, lực lượng này là những người nắm rõ, sâu sát địa bàn nhất.

Con nghiện hiện nay thường ở độ tuổi thanh niên, vì vậy Đoàn thanh niên các địa phương cũng có vai trò rất lớn trong việc ngăn chặn người nghiện phát sinh, phòng chống tội phạm. Mỗi phường, mỗi khu phố đều có cán bộ Đoàn phụ trách, những cán bộ này hãy phối hợp với Đoàn thanh niên công an, quân đội tiếp xúc, kéo gần khoảng cách với những người nghiện, tạo điều kiện để họ cai nghiện, xa lánh những thành phần xấu, con nghiện lâu năm...

ÁI CHÂN - TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục