Phản hồi bài viết: “Nan giải quản lý rác dân lập” - Cần điều chỉnh quy chế, chính sách hỗ trợ

Liên quan đến những bất cập trong hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập (Báo SGGP đã có bài viết “
Phản hồi bài viết: “Nan giải quản lý rác dân lập” - Cần điều chỉnh quy chế, chính sách hỗ trợ

Liên quan đến những bất cập trong hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập (Báo SGGP đã có bài viết “Nan giải quản lý rác dân lập” đăng hai ngày 11 và 12-10-2013), Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đã có cuộc khảo sát về thực tế hoạt động của lực lượng này. Theo đó, để có thể cải thiện thực trạng trên, cần điều chỉnh đồng bộ nhiều bất cập từ quy định thu phí đến chính sách hỗ trợ.

        Rối với quản lý lực lượng rác dân lập

Ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết, hiện công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện bởi 3 hệ thống là hệ thống công lập do Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị và 22 công ty dịch vụ công ích quận huyện; hệ thống dân lập do lực lượng thu gom rác dân lập bao gồm các cá nhân đơn lẻ và khoảng 30 nghiệp đoàn. Cuối cùng là 15 hợp tác xã thu gom chất thải rắn hoạt động giới hạn tại một số quận huyện như quận 2, 4, 5, 6, 11, Gò Vấp, Thủ Đức và huyện Hóc Môn. Trong đó, lực lượng thu gom rác dân lập chiếm đa số với hơn 4.000 lao động, gần 1.000 xe ba, bốn bánh tự chế lạc hậu và thu gom 60% tổng lượng rác sinh hoạt.

Bà Hoàng Thị Kim Chi, Viện Nghiên cứu và phát triển TPHCM, cho biết thêm, nhân sự của lực lượng rác dân lập đông nhưng lại rất phức tạp. Gần 70% trong số lao động trên là người dân nhập cư và không cư trú ổn định. Để có thể liên lạc với họ, chủ yếu qua điện thoại di động nhưng cũng có rất nhiều người sử dụng số điện thoại khuyến mại và thường xuyên bị gián đoạn liên lạc. Trong trường hợp khẩn cấp thường rất khó tìm được họ. Về phía chính quyền địa phương mà trực tiếp là lực lượng quản lý tại phường, xã rất thiếu.

Theo kết quả khảo sát cho thấy, hiện chỉ có 74 cán bộ phường xã quản lý công tác thu gom rác nhưng chỉ có 57 cán bộ thuộc diện biên chế. Số còn lại làm việc hợp đồng. Mặt khác, trong số cán bộ thuộc diện biên chế có đến 83,6% cán bộ làm công tác kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi người. Điều này khiến công tác quản lý liên tục bị gián đoạn, người mới tiếp nhận phải nắm bắt lại từ đầu trong khi phải quản lý số lượng khá lớn người thu gom rác.

Trên thực tế, một số phường, xã đã tiến hành sắp xếp lại “đường dây rác” của các chủ đường rác theo từng khu phố, tổ dân phố để hạn chế chế tình trạng “da beo” trong hoạt động thu gom rác, tạo điều kiện cho công tác giám sát, quản lý được thuận tiện hơn. Tuy nhiên, số lượng này chưa nhiều và thường không được sự hợp tác của các chủ đường dây rác. Chính quyền địa phương cũng chỉ có thể sử dụng biện pháp thuyết phục nên kết quả rất hạn chế.

Thu gom rác dân lập tại quận Bình Thạnh. Ảnh: CAO MINH

Thu gom rác dân lập tại quận Bình Thạnh. Ảnh: CAO MINH

        Cải thiện đồng bộ nhiều bất cập

Muốn cải thiện được chất lượng vệ sinh và đưa lực lượng rác dân lập vào quản lý, cần thiết phải cho lực lượng thu gom rác dân lập thấy rõ lợi ích của họ khi gia nhập vào những tổ chức có quản lý của nhà nước. Hiện mô hình hợp tác xã và nghiệp đoàn là rất phù hợp. Thời gian qua, đã có 15 hợp tác xã và 30 nghiệp đoàn hình thành nhưng họ đang có nguy cơ giải thể do gặp khó khăn về tài chính duy trì hoạt động. Còn người thu gom rác dân lập lại chưa được hưởng lợi ích gì khi gia nhập vào các tổ chức này. Số ít các hợp tác xã có mua bảo hiểm y tế cho người thu gom rác, song chỉ được thời gian ngắn ban đầu. Sau đó, do không đảm bảo về mặt tài chính nên việc mua bảo hiểm cũng ngưng.

Minh chứng rõ nhất là có đến hơn 82% số người thu gom rác dân lập hiện không có bảo hiểm y tế. Chưa hết, hầu hết người thu gom rác dân lập không tiếp cận chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Để cải thiện những bất cập đối với lực lượng thu gom rác dân lập, cần có giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Theo đó, trong ngắn hạn cần điều chỉnh quy về mức thu phí rác và mức phí quản lý trích nộp. Mức phí thu gom hộ gia đình được quy định đã khá lâu từ 15.000 - 20.000 đồng/hộ/tháng là không phù hợp với tình hình thực tế. Việc tăng mức phí này tạo điều kiện tăng thu nhập và phúc lợi xã hội cho người thu gom rác.

Hơn nữa, việc quy định mức phí các hộ dân trong hẻm thấp hơn hộ ngoài đường phố chính, trong khi việc lấy rác trong hẻm khó khăn hơn, khoảng cách xa hơn là chưa hợp lý. Kết quả khảo sát cho thấy, người thu gom rác đã tự thỏa thuận với chủ nguồn thải để nâng mức phí thu gom rác lên 30.000 đồng/hộ/tháng không phân biệt hộ trong hẻm hay ngoài hẻm. Không chỉ vậy, việc tồn tại song song hai quyết định 5424 và 88 về cùng nội dung là trích nộp phần trăm phí thu gom cho công tác quản lý khiến việc áp dụng giữa các quận huyện bị sai lệch, dẫn đến mức được hưởng của người thu gom rác cũng khác nhau.

Mặt khác tâm lý bị cắt bớt tiền để trích nộp cho ngân sách trong khi phía chính quyền không có hoạt động hỗ trợ nào đang gây bức xúc rất lớn trong lực lượng thu gom rác dân lập. Do vậy, cần thiết phải tổ chức lại nguồn nhân lực quản lý, đồng thời quy định mức phần trăm trích nộp gắn rõ với trách nhiệm của lực lượng quản lý trong việc hỗ trợ hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập.

Về giải pháp lâu dài, thay vì quy định giới hạn phạm vi và thời gian hoạt động đối với các loại xe ba, bốn bánh - xe thu gom rác chủ yếu của lực lượng rác dân lập, chiếm hơn 54%, thành phố cần có chính sách toàn diện để hỗ trợ họ chuyển đổi phương tiện. Thời gian qua, việc áp dụng quy định cấm và hạn chế lưu thông xe ba, bốn bánh nhằm buộc chủ phương tiện phải chuyển đổi phương tiện đang sử dụng. Tuy nhiên, có rất ít chủ phương tiện thực hiện được.

Nguyên nhân là do những người thu gom rác đa phần là người nghèo. Xe thu gom rác họ phải tự độ, tự chế. Nếu muốn thay đổi xe đảm bảo theo yêu cầu của quy định nhà nước, cần tối thiểu hơn 100 triệu đồng - vượt quá khả năng kinh tế của họ. Nếu thành phố có thể cải thiện tất cả những bất cập trên, chắc hẳn các “đường dây rác” dân lập sẽ dần dần tự chuyển đổi hình thức hoạt động của mình, từng bước đi vào chính quy hóa. Từ đó, chất lượng vệ sinh môi trường cũng được nâng cao.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục