Trên tinh thần ấy, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu TPHCM, một trong những chuyên gia đầu ngành tham gia nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch cho TPHCM lần này, đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo SGGP về việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM.
Liên kết, TPHCM và các địa phương đều “thắng”
* PV: Thưa ông, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguyên nhân cốt lõi của vấn nạn ùn tắc giao thông, ngập nước là quá tải. Thế nhưng, đất đai của TPHCM lại không thể “nở” ra. Chi phí cho đầu tư các công trình “trên cao” hoặc “xuống đất” không hề nhỏ mà ngân sách thành phố lại có hạn. Với chức năng cơ bản là sắp xếp, tổ chức lại không gian đô thị, theo ông, đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM nên điều chỉnh theo hướng nào để góp phần cho thành phố giải quyết các vấn nạn nêu trên?
- Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa: Nếu TPHCM chỉ loay hoay giải quyết các vấn nạn ngập nước, kẹt xe… trong địa giới hành chính của mình, vừa khó vừa tốn kém, lại không bền vững vì trên thực tế gần 50% diện tích TPHCM là đất yếu, thấp, không thuận lợi cho phát triển đô thị và nếu xây dựng thì tốn rất nhiều chi phí. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Vùng TPHCM vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có nhấn mạnh đến vấn đề liên kết vùng ở tất cả các lĩnh vực, không chỉ phát triển đô thị mà còn cả kinh tế xã hội. Theo tôi, đây là cơ sở quan trọng để TPHCM đẩy mạnh liên kết vùng, qua đó giải quyết vấn nạn quá tải - là nguồn gốc căn cơ gây ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường…
- Việc liên kết này không chỉ tốt cho TPHCM mà còn tốt cho các tỉnh trong vùng TPHCM. Không chỉ có thế, trong nhiều lĩnh vực, còn có tác động tích cực đến sự phát triển chung của đất nước. Đơn cử, điều tiết hàng hóa ở khu cảng Cát Lái ra Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) không chỉ giúp giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông cho điểm nóng về giao thông “bậc nhất” thành phố mà còn tạo điều kiện cho khu cảng Cái Mép - Thị Vải phát triển. Khu cảng biển Cái Mép - Thị Vải hoạt động tốt không chỉ là điều kiện quan trọng để Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển kinh tế mà còn là tiền đề góp phần quyết định cho sự phát triển của hệ thống cảng biển Việt Nam. Chưa hết, với tuyến luồng sâu đến khoảng 16 - 18m (tùy mức thủy triều), nếu được tập trung đầu tư đúng mức, bao gồm cả việc điều tiết hàng hóa ra đây, cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải sẽ sớm trở thành cụm cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế.
* Thuế xuất nhập khẩu qua cảng biển là một trong những nguồn thu chính của TPHCM. Liệu TPHCM có sẵn sàng “cho” tàu ra khu cảng Cái Mép - Thị Vải?
- Cách đây chưa lâu, trong buổi làm việc với Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có giải pháp điều tiết bớt lượng hàng hóa ở Cát Lái ra Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
* Năm qua, một số thành phố của các địa phương lân cận TPHCM cũng đã bị ngập nước sau mưa. Các địa phương ấy sẽ chia sẻ, liên kết với TPHCM như thế nào khi chính họ cũng bị ngập nước?
- Biến đổi khí hậu với nhiều cơn mưa lớn và nước biển dâng đã làm cho không chỉ TPHCM mà nhiều thành phố khác trong vùng TPHCM bị ngập. Trong bối cảnh này, TPHCM nói riêng và các thành phố khác nói chung lại càng phải hợp tác với nhau để giải quyết tình trạng ngập nước bởi địa hình chung của TPHCM và nhiều địa phương lân cận đều thấp dần về hướng Nam. Bị giới hạn bởi ranh giới hành chính, TPHCM “cứ” phát triển đô thị về hướng Nam theo cách như hiện nay (dàn trải, chiếm nhiều đất, lấp kênh rạch) là chặn mất hướng thoát nước chung… thì không những TPHCM bị ngập mà các địa phương ở phía trên cũng bị ảnh hưởng.
Do vậy, thay về phát triển về hướng Nam, TPHCM liên kết với Đồng Nai để phát triển đô thị Nhơn Trạch, từng bước đưa dân cư khu Nam qua Nhơn Trạch thì không những giải quyết được bài toán thoát nước mà còn giúp Đồng Nai phát triển Khu đô thị Nhơn Trạch và Khu công nghiệp Nhơn Trạch gần đó. Về cơ bản, địa hình Đồng Nai khá cao, rất thuận tiện cho phát triển đô thị. Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng ngập nước, bản thân thành phố cũng phải điều chỉnh cách phát triển đô thị, không rải ra như hiện nay mà nén lại. Trả kênh, rạch, các vùng đất ngập nước cho… nước. Quy hoạch phải được thực hiện nghiêm, ai vi phạm phải bị xử lý. Theo tôi, trong bối cảnh biến đổi khí hậu - nước biển dâng diễn biến phức tạp hiện nay, chúng ta phải thoát khỏi tư duy tỉnh - thành phố nào cũng tự lo xây dựng các công trình chống ngập cục bộ như TPHCM và một số tỉnh - thành phố đã làm trong thời gian vừa qua.
Tránh “vẽ” quy hoạch “trùm” lên nhà dân
* Thời gian qua, tình trạng quy hoạch treo hoặc đồ án quy hoạch vừa mới được phê duyệt đã phải điều chỉnh đã làm cho không ít người dân bức xúc. Theo ông, làm sao để khắc phục điều này?
- Để hạn chế được bất cập này, phải đổi mới cách làm quy hoạch. Phải nâng tầm quy hoạch chung lên thành quy hoạch chiến lược trên cơ sở cụ thể hóa đường lối phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM nói riêng và vùng TPHCM nói chung. Việc này phải được nghiên cứu kỹ, có đánh giá hiện tại và dự báo tương lai để sau này nếu cần, chỉ điều chỉnh dự án, không điều chỉnh quy hoạch. Tránh tối đa tình trạng nhà dân đang ở đông đúc, ổn định “vẽ” quy hoạch trùm lên mà chưa tính được nguồn lực thực hiện trong thời gian ngắn và trung hạn.
* Hiện nay người dân ở nhiều địa phương vẫn “đổ” về TPHCM sinh sống và làm việc. Hậu quả là nhiều đồ án quy hoạch của TPHCM đã lạc hậu về dự báo dân cư ngay khi được phê duyệt… Không tính chính xác dân cư sẽ không tính đúng về điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Theo ông, nên giải quyết khó khăn này ra sao?
- Đây là bài toán ở tầm quốc gia… Riêng tôi thấy, ở nhiều địa phương trong cả nước, tỷ lệ đô thị hóa vẫn rất thấp. Nhiều thị xã vẫn “đứng” ở quy mô như hàng chục năm trước. Nhiều thị xã, thành phố trong vùng TPHCM cũng vậy. Do đó, vẫn phải quay lại việc liên kết vùng. TPHCM nên “chuyển giao” dần những ngành nghề thâm dụng nhiều lao động cho các địa phương và tập trung vào những ngành nghề có hàm lượng chất xám cao, có thể hỗ trợ cho các địa phương cùng phát triển… Các địa phương “có thêm dân” với các cơ sở sản xuất được hình thành sẽ đẩy nhanh được quá trình đô thị hóa. “An cư lạc nghiệp” được ở chính quê hương mình thì người lao động sẽ bớt phải đi xa, trong đó có TPHCM để làm ăn.
* Cảm ơn ông!