Nông nghiệp nông thôn luôn là vấn đề được các chuyên gia, các nhà khoa học quan tâm. Để nông nghiệp nông thôn phát triển bền vững, trở thành trụ đỡ an sinh xã hội, đòi hỏi phải có những chính sách mang tính chiến lược. Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài “Nông nghiệp nông thôn - trụ đỡ an sinh xã hội” Báo SGGP tiếp tục ghi nhận các ý kiến tâm huyết về vấn đề này.
TS Nguyễn Văn Sánh Viện Nghiên cứu và phát triển ĐBSCL:
Đẩy mạnh liên kết vùng với sự tham gia của “4 nhà”
Để ĐBSCL phát triển bền vững thì bên cạnh sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân còn cần hoàn thiện thêm mối liên kết 4 nhà. Trong đó, doanh nghiệp cần tập trung phát triển thị trường, định ra khả năng tiêu thụ; nông dân hợp tác sản xuất có định hướng theo hợp đồng; nhà khoa học nghiên cứu đưa ra giải pháp tăng sản lượng, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm; Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp thông tin, tiêu chuẩn hóa sản phẩm xuất khẩu, có cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ tín dụng và tổ chức thực hiện liên kết. Việc triển khai chính sách tam nông là một định hướng tốt để xây dựng mối liên kết bốn nhà, liên kết vùng giúp ĐBSCL phát triển toàn diện.
Liên kết vùng là hết sức cần thiết, nhờ liên kết vùng, nhà nước mới có quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội cho cả vùng. Đối với nông nghiệp, tùy lợi thế của từng vùng sinh thái mà đưa ra chủ trương sản xuất cây gì, con gì cho hiệu quả nhất. Việc quy hoạch tránh cho các địa phương cạnh tranh nhau không đáng có.
Đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ngập mặn, khô hạn, bão lũ ngập úng... thì chỉ liên kết vùng mới giải quyết nổi. Sự liên kết này phải cần có người chỉ huy, “nhạc trưởng” tầm cỡ quốc gia. Tuy liên kết mang tính tự nguyện nhưng cũng phải có ràng buộc qua chính sách, pháp lý và có “nhạc trưởng”, như vậy mới thành công.
TS Võ Hùng Dũng Giám đốc Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam Cần Thơ:
Cải cách thể chế để thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn
Hiện nay, khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp liên quan đến 5 yếu tố: rủi ro cao; môi trường kinh doanh yếu kém, chi phí giao dịch cao; những hạn chế liên quan đến luật pháp như hạn điền, việc góp vốn kinh doanh trong nông nghiệp; thiếu những ngành hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ; chủ thể khởi sự doanh nghiệp trong nông nghiệp là các hộ kinh doanh thiếu kiến thức chung, ít hiểu biết về kinh doanh.
Thể chế cho nông nghiệp phát triển là vấn đề phức tạp, không chỉ liên quan đến luật về sở hữu đất mà còn là những yếu tố vi mô cản trở khởi sự doanh nghiệp ở nông thôn. Đăng ký kinh doanh chưa phải là cản ngại lớn nhưng tiếp cận tài chính mới là yếu tố nan giải hơn. Chi phí giao dịch cao là rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực này gặp phải.
Thông tin nghèo nàn, niềm tin vào việc tuân thủ hợp đồng thấp làm gia tăng chi phí tìm hiểu đối tác, chi phí thực hiện hợp đồng, tuân thủ hợp đồng... Để cải thiện việc này, vai trò rất lớn nằm ở chính quyền cấp tỉnh và huyện; họ phải nỗ lực nhiều hơn để môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, nhất là trong thủ tục đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra, cần thành lập thêm nhiều chi nhánh ngân hàng cho nông thôn.
Cần cải cách thể chế để giúp nông dân có thể tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn tín dụng qua hoạt động mở rộng của các ngân hàng. Điều quan trọng là hỗ trợ qua đầu tư để nông dân có được tài sản, ban đầu là các tài sản nhỏ. Có tài sản mới có thể tiếp cận vốn và hoạt động kinh doanh.
TS Lê Văn Bảnh Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL:
Đào tạo nghề cho nông dân phải thiết thực
Hiện cả nước đang triển khai mô hình đào tạo này nhưng trớ trêu thay, Viện Lúa ĐBSCL nằm ngay vựa lúa lại bị “bỏ quên”. Mới đây, viện chỉ mới được mời tham dự đào tạo vài chục nông dân. Điều chúng tôi lo lắng là nhiều người nghĩ đơn giản, chương trình đào tạo này giống như tập huấn khuyến nông. Dạy nghề, dù nghề làm ruộng cũng phải có mô hình, từ khâu làm đất, gieo cấy, bơm nước, chăm sóc, thu hoạch… Khi nông dân học nghề được cấp chứng chỉ họ phải biết luôn cách thức làm dự án, hạch toán kinh tế, nói đúng hơn là biết quản trị trên chính mảnh đất của mình.
Có nhiều nghịch lý đang diễn ra trong đào tạo nghề cho nông dân hiện nay, chủ yếu là “giáo viên” chỉ hướng dẫn đủ quy trình và cấp chứng chỉ, như vậy là “lấn sân” khuyến nông. Dạy nghề phải bao gồm cả hạch toán kinh tế: chi phí giá thành, lời lỗ… dạy quản lý nguồn vốn, tài sản…
Nói tóm lại là dạy họ quản trị trên mảnh đất họ sản xuất mới là dạy nghề. Điều này đòi hỏi phải có những trung tâm, viện, trường chính quy tham gia đào tạo một cách bài bản mới mang lại hiệu quả thiết thực, mới thu hút được nông dân.
Điều mà nông dân mong muốn nhất hiện nay là được Nhà nước hỗ trợ, xây dựng hệ thống thông tin, hoàn chỉnh mạng lưới tiêu thụ nông sản để nuôi trồng, canh tác đúng nhu cầu thị trường và sản phẩm bán được giá nhất. Còn nghề nông nghiệp, lâu nay nông dân đã làm khá tốt, hàng triệu tấn lúa, hàng trăm ngàn tấn cá da trơn... họ đều đủ khả năng sản xuất, có điều hiệu quả chưa như mong muốn cũng do khó khăn về thị trường tiêu thụ.
MINH TRƯỜNG - CAO PHONG
- Thông tin liên quan:
Nông nghiệp nông thôn - trụ đỡ an sinh xã hội
>> Bài 1: Sức sống mới nông thôn
>> Bài 2: Hướng mở việc làm nông thôn
>> Bài 3: Cơ chế và chính sách đồng bộ