Viết tiếp loạt bài “Núi vàng” công sản đang bị sử dụng lãng phí ra sao?

Bài 1: Lấy đất công xây... nhà tư

Bài 1: Lấy đất công xây... nhà tư

Trong khi nhiều cán bộ, dù đã được cấp nhà, cấp đất, vẫn cố tìm cách để được cấp thêm, thì ở nhiều cơ quan đơn vị, người ta còn mượn danh tập thể, mượn danh quy hoạch, mượn danh thuê, thậm chí mượn danh cả… quyền lực để biến công sản thành tư sản.

  • Mượn cớ quy hoạch để chia đất
Bài 1: Lấy đất công xây... nhà tư ảnh 1

Khu đất công ở số 555 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 26 quận Bình Thạnh đã bị biến thành khu nhà thuộc sở hữu tư nhân như thế này.

Trên đường Ông Ích Khiêm, quận 11 có 2 khu nhà đất công, một ở số 302/27A diện tích 767m2, một ở số 300/12 diện tích 312m2.

Từ sau ngày giải phóng miền Nam đến năm 1991, 2 mặt bằng trên do 2 hợp tác xã (HTX) sản xuất ván xuất khẩu (HTX Lâm sản và HTX Mộc ván sàn xuất khẩu) sử dụng làm cơ sở sản xuất.

Tuy nhiên, mãi cuối năm 1991, “phát hiện” thực tế này, Công ty Kho bãi TP (thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn, có chức năng cho thuê kho bãi) mới yêu cầu 2 đơn vị trên ký hợp đồng thuê và truy thu tiền sử dụng mặt bằng trước đó.

Mặc dù vậy, đến đầu năm 1992, Công ty Kho bãi TP và UBND quận 11 lại nhanh chóng thống nhất chấm dứt hợp đồng với các bên thuê và tiến hành thu hồi cả 2 mặt bằng trên để phục vụ cho việc… “sửa chữa lớn” đường Ông Ích Khiêm.

Không biết quá trình “sửa chữa lớn” diễn ra thế nào mà đến nay, trong khi cơ quan thẩm quyền cấp TP không có bất cứ quyết định điều chỉnh di dời hay giao đất nào, chính quyền địa phương vẫn tự ý phân lô toàn bộ 784m2 còn lại sau khi mở rộng đường Ông Ích Khiêm (510m2 ở số 302/27A và 274m2 ở số 300/12) để cấp cho 19 hộ là cán bộ, công nhân viên thuộc UBND quận và một số cán bộ hưu trí… trên địa bàn, xây nhà ở.

Thậm chí, việc thu hồi, giải tỏa 2 mặt bằng trên cũng không có cả biên bản bàn giao giữa Công ty Kho bãi và UBND quận 11. Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn bộ số nhà đất trên hiện nay đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở cho tư nhân.

Trong lúc đó, khu nhà đất diện tích 708m2 tại số 9 bis Đặng Thái Thân quận 5, do Cục Cầu đường miền Nam tiếp quản năm 1975, cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Năm 1981, XN Phục vụ đường sắt 627 ký hợp đồng thuê khu nhà đất trên với Công ty Kho bãi TP. Trong quá trình này, XN đã cho 4 hộ cán bộ, công nhân viên vào xây nhà ở.

Đến ngày 7-1-1992, UBND quận 5 có công văn gửi UBND TP và cơ quan thẩm quyền, ngưng ký hợp đồng thuê với XN với lý do là để giải tỏa lấy mặt bằng xây dựng chung cư Hùng Vương.

Tuy nhiên, trong khi chưa được UBND TP xem xét giao đất, UBND quận 5 đã tự… giải tỏa khoảng 400m2 để mở rộng đường Mạc Thiên Tích, phần còn lại cũng đưa vào sử dụng cho mục đích riêng…

  • Mượn danh thuê để... chiếm

Ngày 6-5-1977, UBND TP có quyết định giao kho số 88 Gò Công, phường 13, quận 5 (diện tích 1.011m2) cho Sở Tài chính để làm nơi lưu trữ tài sản nhà nước.

Tuy nhiên, sau khi “ngoại giao”, ngày 30-1-1978, Công ty Vật tư Tổng hợp (VTTH) TP đã được lãnh đạo Sở Tài chính ký hợp đồng cho thuê toàn bộ phần mặt tiền nhà kho 251m2.

Năm 1984, trước khi mặt bằng này được chuyển giao cho Công ty Kho bãi TP quản lý và khai thác, Công ty VTTH đã tự ý chuyển thành nhà ở cho 6 hộ cán bộ, công nhân viên.

Và đến năm 1994, sau 9 năm ký hợp đồng thuê diện tích trên với Công ty Kho bãi TP, lãnh đạo Công ty VTTH bất ngờ… ngưng ký hợp đồng và âm thầm hợp thức hóa thành nhà ở cho 6 hộ trên bằng 5 quyết định và 1 thông báo, trong khi những hộ này đều “2 không”: không có hộ khẩu thường trú, không có hợp đồng thuê nhà với nhà nước.

Toàn bộ diện tích còn lại của kho (850m2) ở phía sau, cũng không dành vào việc lưu trữ tài sản mà trở thành nơi hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Thành Nguyên.

Theo tìm hiểu, bằng “phương pháp” tương tự, Công ty VTTH TP còn “thuê trước, chiếm sau” của nhà nước ít nhất 3 khu nhà xưởng khác với tổng diện tích 954m2, ở các địa chỉ: 958 Lò Gốm, phường 8, quận 6; 176/11 Hậu Giang, phường 6, quận 6; 26AB Hùng Vương (nay là 398-400 Hồng Bàng), phường 16, quận 11.

Tại khu 958 Lò Gốm, sau 8 năm ký hợp đồng thuê với nhà nước, năm 1991 lãnh đạo Công ty VTTH tự cải tạo căn nhà trên và… phân phối làm nhà ở cho 5 hộ cán bộ, công nhân viên.

Tại địa chỉ 176/11 Hậu Giang, sau một thời gian thuê, năm 1994 lãnh đạo Công ty VTTH cũng đơn phương chấm dứt hợp đồng để tự… ra quyết định chuyển thành nhà ở để cấp cho 9 hộ cán bộ, công nhân viên.

Tương tự, một nửa trong 264m2 nhà đất công tại địa chỉ 26AB Hùng Vương, quận 11, cũng được Công ty VTTH ra quyết định cấp làm nhà ở cho 2 hộ cán bộ, công nhân viên là ông Nguyễn Chí Tâm và bà Nguyễn Thị Thủy, từ hàng chục năm qua.

  • Đất công như đất... “chùa”
Bài 1: Lấy đất công xây... nhà tư ảnh 2

Gần 2.000m2 đất công ở hẻm 552 XVNT, P25, Bình Thạnh nay đã trở thành nhà của 24 hộ dân.

Bước vào khu vực hẻm số 552 Xô Viết Nghệ Tĩnh, thuộc phường 25 quận Bình Thạnh, chúng tôi choáng ngợp trước một khu phố “hoành tráng” với hàng chục căn nhà cao 2-3 tầng kiên cố.

Một số người dân cho biết, khu phố này được hình thành cách nay hơn 10 năm và tất cả đều được xây dựng trên đất “dự án quy hoạch của nhà nước”.

Thế nhưng, tài liệu lưu trữ từ cơ quan chức năng lại chứng minh, “dự án” trên được hình thành mà không dựa trên bất cứ quyết định giao đất nào của cơ quan thẩm quyền.

Theo bản “lý lịch” đã được cơ quan chức năng thẩm tra, khu nhà đất diện tích gần 1.850m2 ở 552 Xô Viết Nghệ Tĩnh, có nguồn gốc tài sản vắng chủ, được quận Bình Thạnh trực tiếp quản lý từ năm 1976.

Đến năm 1984, khu đất này được TP chuyển giao cho Công ty Kho bãi TP quản lý, khai thác và sau đó cho Công ty Dịch vụ du lịch Bình Thạnh thuê để kinh doanh dịch vụ.

Tại quận 3, căn nhà số 36 Nguyễn Thiện Thuật, có diện tích 34,4m2 đã được UBND TP xác lập sở hữu nhà nước thông qua Quyết định số 148 ngày 20-3-2002, đồng thời giao cho Công ty Lương thực TP quản lý sử dụng.

Tuy nhiên, lâu nay, ông Bùi Đức Sơn, Phó Giám đốc Công ty Lương thực TP, đã chiếm dụng để làm nhà ở và hiện nay đang cho thuê để làm quán... nhậu.

Tháng 8-2006, khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện thì ông Sơn đã đề xuất được… “mua hoặc thuê theo quy định”!

Tuy nhiên, đến ngày 18-11-1991, ông Đỗ Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh lúc bấy giờ, lại bất ngờ ký quyết định… thu hồi khu đất giao cho Xí nghiệp Quản lý phát triển nhà Bình Thạnh (nay là Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh) thanh lý mặt bằng để cải tạo thành nhà ở.

Mặc dù không có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai, không lập luận chứng kinh tế kỹ thuật, nhưng Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh vẫn phân thành 24 nền nhà, được cấp phép xây dựng nhà kiên cố và bán cho 24 khách hàng.

Quận Bình Thạnh được “chủ đầu tư” đóng góp 400 triệu đồng tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi lại, toàn bộ khu phố “lậu” này đã được cấp “giấy hồng, giấy đỏ”.

Chưa hết. Cũng bằng “đường đi, nước bước” này, không lâu sau UBND quận Bình Thạnh (cũng ông Đỗ  Văn Mẫn) còn giúp Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh “hóa phép” được khu nhà đất công xấp xỉ 3.000m2 ở địa chỉ 555 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 26, Bình Thạnh thành 23 căn nhà, trong đó có 9 căn mặt tiền, mang số từ 617 đến 635. Dĩ nhiên, lần này, “chủ đầu tư” phải nộp cho quận 1,5 tỷ đồng gọi là tiền đầu tư cơ sở hạ tầng…

NHÓM PV 

Thông tin liên quan

- Bài 1: Chủ trương hợp lòng dân

- Bài 2: Lãng phí chồng lên lãng phí

- Bài 3: Câu hỏi… chưa lời đáp!

Tin cùng chuyên mục