“Núi vàng” công sản đang bị sử dụng lãng phí ra sao?

Bài 1: Chủ trương hợp lòng dân

Một chủ trương đúng
Bài 1: Chủ trương hợp lòng dân

LTS: Sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975), toàn bộ nhà đất do chính quyền chế độ cũ quản lý sử dụng để lại tại Sài Gòn - TPHCM hiện nay - đã được Nhà nước ta tiếp quản. Sau đó, một phần được bố trí làm nhà ở cho cán bộ. Phần lớn còn lại được giao cho các bộ, ngành, địa phương quản lý, sử dụng và khai thác. Khi chấm dứt thời bao cấp, một phần nhà đất trước đây bố trí làm nhà ở hoặc cho cán bộ, công chức thuê được bán hóa giá theo Nghị định 61/CP.

Phần lớn còn lại tiếp tục được giao cho các bộ ngành, địa phương quản lý, sử dụng để làm trụ sở, nhà công vụ và sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, khối tài sản công khổng lồ ở trung tâm kinh tế lớn nhất nước này đã và đang bị sử dụng lãng phí, sai mục đích?

Mời bạn đọc theo dõi loạt bài điều tra của phóng viên bản báo.

Một chủ trương đúng

Bài 1: Chủ trương hợp lòng dân ảnh 1
Theo tính toán, sự chậm trễ đưa tòa nhà số 1-5 Lê Duẩn vào hoạt động, mỗi năm lãng phí đến 6 triệu USD.

Theo số liệu điều tra, thống kê của Chính phủ năm 1995-1996, toàn bộ nhà đất mà các bộ ngành (57 bộ, ngành và cơ quan ngang bộ) sử dụng tại TPHCM đến thời điểm đó là một con số khổng lồ: chỉ tính diện tích khuôn viên (đất) đã là 6.317.181m2.

Tất nhiên, con số này chưa bao gồm số nhà đất do TPHCM quản lý, sử dụng. Trong số nhà đất do các bộ ngành quản lý nói trên, có 311 biệt thự, 1.244 nhà phố, 178 cao ốc, 453 chung cư… Số tài sản này hầu hết đều ở những vị trí đắc địa (tại các quận trung tâm, nội thành).

Sau thời bao cấp, do đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội trong thời kỳ đất nước đổi mới, nhà nước đã tiến hành sắp xếp lại cơ cấu các bộ ngành.

Vào tháng 10-1995, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa IX, Nghị quyết sắp xếp lại các bộ ngành đã được thông qua. Trên cơ sở đó nhiều bộ đã được sáp nhập từ 2-3 bộ, thậm chí 5 bộ thành một, đồng thời hình thành một số bộ mới.

Dĩ nhiên, đội ngũ cán bộ của các bộ ngành cũng được tái cơ cấu, sắp xếp lại. Tuy nhiên, riêng khối lượng trụ sở làm việc, diện tích đất đai mà các bộ ngành này quản lý, sử dụng từ sau ngày giải phóng – lẽ ra cũng phải sắp xếp, phân bổ lại cho hợp lý - thì vẫn được sử dụng theo nguyên trạng. Điều này đã dẫn đến tình trạng các cơ quan đơn vị sử dụng không hết, sử dụng sai mục đích, gây thất thoát, lãng phí.

Trước thực tế bất hợp lý trên, sau khi bàn thảo, Thường trực Chính phủ thời điểm đó đã thống nhất chủ trương: giải thể văn phòng đại diện phía Nam tại TPHCM (tức văn phòng 2) của các bộ để thu gọn, tập trung về một nơi.

Theo kế hoạch, toàn bộ các chi nhánh, văn phòng đại diện của các cơ quan này tại TPHCM sẽ được “thu gom” để chuyển thành công sản, giao cho bộ có chức năng quản lý. “Mục đích của việc làm này là để làm sao sử dụng khối công sản khổng lồ có hiệu quả nhất cho nhu cầu ngân sách hoặc cho quỹ dự trữ quốc gia”, đồng chí Võ Văn Kiệt - Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ - khẳng định.

Đứt gánh giữa đường

Bài 1: Chủ trương hợp lòng dân ảnh 2
“Cơ ngơi” dở dang hàng chục năm qua của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (góc đường Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Đình Chiểu, quận 1) gây lãng phí lớn.

Ngay sau khi thống nhất chủ trương trên, Thường trực Chính phủ lúc bấy giờ đã quyết định chọn địa điểm và chỉ đạo lập dự án, xúc tiến đầu tư xây dựng một “trung tâm điều hành” chung cho các bộ tại phía Nam, tọa lạc ở số 1-5 Lê Duẩn – một mảnh đất “vàng” có diện tích 6.117m2 ngay trung tâm quận 1, TPHCM.

Theo quy mô thiết kế, Trung tâm Điều hành phía Nam dành cho các bộ là một cao ốc 22 tầng, có tổng diện tích sàn xây dựng là 30.000m2, bao gồm cả khu làm việc và khu nghỉ, tổng số vốn đầu tư khoảng 160 tỷ đồng, có trang thiết bị hiện đại.

Theo tính toán, với quy mô như vậy, nơi đây đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng cho hoạt động điều hành và nghỉ ngơi của các bộ tại phía Nam.

Hơn nữa, do trung tâm này lại nằm liền kề Văn phòng 2 Chính phủ (số 7 Lê Duẩn), nên khi hoạt động sẽ tiết kiệm thêm được rất nhiều chi phí cho các bộ vì mỗi lần qua Văn phòng 2 Chính phủ chỉ cần đi bộ.

Tuy nhiên, cuối năm 1997, đầu năm 1998, khi cao ốc số 1-5 Lê Duẩn được xây dựng xong phần thô (đã định hình phần khung nhà và phòng ốc), cũng là lúc cơ cấu nhân sự Chính phủ và các bộ ngành ít nhiều có sự thay đổi.

Do các bộ ngành vốn một thời gian dài được “sở hữu” nhiều cơ ngơi rộng rãi, tâm lý không mấy mặn mà với chủ trương “thu gọn lại một chỗ” nên đã có sự tác động để dừng thực hiện chủ trương này.

Cuối cùng thì sự tác động đó đã có tác dụng. Một chủ trương đúng đã bị phá sản: Toàn bộ cơ sở 2 của các bộ ngành tại TPHCM được giữ nguyên và sử dụng như cũ. Còn tòa cao ốc “Trung tâm Điều hành phía Nam” đã lỡ xây được giải quyết bằng phương án “nhượng” lại cho Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam để làm “Trung tâm Điều hành dầu khí phía Nam”.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho biết, trước tình trạng sử dụng lãng phí, sai mục đích tài sản công, nhất là bất động sản như trụ sở cơ quan, nhà đất của các bộ ngành ở phía Nam, ông đã nhiều lần có ý kiến với Thường trực Chính phủ và cơ quan chức năng. Mới đây, ngày 27-10-2006, ông tiếp tục có công thư gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, đề nghị chỉ đạo các bộ ngành báo cáo ngay những số liệu về tình trạng này trong 10 năm qua và “cần có biện pháp thích đáng gì để chấm dứt sự lãng phí kéo dài này, tăng thêm nguồn quỹ quốc gia”. “Được vậy, dù có chậm, cũng là tấm gương cho bên dưới, cho cả nước” - ông khẳng định.

PHẠM TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục