“Núi vàng” công sản đang bị sử dụng lãng phí ra sao?

Bài 3: Câu hỏi… chưa lời đáp!

Bài 3: Câu hỏi… chưa lời đáp!

Chỉ một công trình Trung tâm điều hành dầu khí phía Nam có diện tích khuôn viên hơn 6.000m2, do thi công kéo dài, chậm đưa vào sử dụng, đã gây lãng phí của nhà nước hàng triệu USD mỗi năm. Vậy, với “núi vàng” có diện tích lên đến nhiều triệu mét vuông mà các bộ, ngành và cơ quan đơn vị đang quản lý sử dụng tại trung tâm kinh tế lớn nhất nước này thì con số lãng phí là bao nhiêu?

  • Những con số khổng lồ

Bài 3: Câu hỏi… chưa lời đáp! ảnh 1
Khu nhà gần 6.000m2 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (số 27 Nguyễn Đình Chiểu, Q1) bỏ hoang cả chục năm nay.

Như trong bài đầu đề cập, thống kê của Chính phủ trong năm 1995-1996 cho thấy chỉ tính số nhà đất mà các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ quản lý, sử dụng tại TPHCM vào thời điểm đó lên đến 6.317.181m2 (chỉ tính diện tích chính và chưa kể số nhà đất do TPHCM quản lý, sử dụng).

Trong số nhà đất này, nếu phân loại theo công năng mà 57 bộ, ngành lúc đó sử dụng thì có 1.256 khu với diện tích 655.496m2 được sử dụng làm nhà ở; 552 khu với gần 3.100.000m2 được sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh và kho xưởng, còn lại 455 khu với diện tích 1.937.831m2 được dùng làm… trụ sở.

Theo nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nếu như từ năm 1995, chủ trương giải thể văn phòng đại diện phía Nam tại TPHCM của các bộ để thu gọn, tập trung về một nơi được thực hiện đến nơi đến chốn thì riêng số nhà đất của 20 bộ trong thời điểm đó (trừ Bộ Quốc phòng có đặc thù riêng), đã có thể “gom” về cho ngân quỹ quốc gia 4.640.622m2. Dĩ nhiên đó là chưa tính đến số nhà đất của các cơ quan ngang bộ và các ban ngành khác. Tuy nhiên, kể từ khi các bộ ngành cũ được sắp xếp, cơ cấu lại như hiện trạng (gồm có 20 bộ, 6 cơ quan ngang bộ, 13 cơ quan trực thuộc Chính phủ), và đặc biệt là sau khi chủ trương sắp xếp lại các cơ quan đại diện bộ, ngành tại TPHCM bị phá sản, người ta không còn biết chính xác toàn bộ những cơ ngơi đó được sử dụng như thế nào và đến nay còn bao nhiêu.

  • Kẻ ăn không hết, người lần không ra

Theo số liệu điều tra riêng của phóng viên, chỉ tính trên địa bàn phường Đa Kao, quận 1 hiện đã có khoảng 300 khu nhà, đất của các tổ chức với tổng diện tích hơn 33,400ha, trong đó có đến hàng chục bộ ngành trung ương như Bộ NN-PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ Bưu chính – viễn thông, Bộ Thương mại, Bộ LĐ-TBXH, Bộ Y tế... Trong đó, Bộ NN-PTNT chiếm nhiều nhất với trên 10 khu có tổng diện tích khoảng 150.000m2 nằm ở mặt tiền các trục đường chính như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thị Minh Khai…

Đúng như khẳng định của một cán bộ phường Đa Kao, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 80 về việc rà soát, chấn chỉnh lại tình hình sử dụng tài sản của các cơ quan nhà nước, tình trạng cho thuê “vô tội vạ” tại những nơi này đã giảm phần nào. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên, tình trạng lãng phí kiểu như Trung tâm điều hành dầu khí phía Nam thì “kể không xiết”. Điển hình là khu nhà đất rộng gần 6.000m2 ở ngay góc đường Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT).

Các đây hơn 10 năm (đầu những năm 1990), cơ quan này liên doanh với một đơn vị nước ngoài để xây cao ốc văn phòng. Tuy nhiên, do đơn vị nước ngoài này mất khả năng tài chính, một mình ngành hàng không khổng thể “đảm đương” nên hậu quả là tòa nhà xây dựng dở dang trên mảnh đất “vàng” này bỗng trở nên hoang phế và biến thành bãi… đậu xe cả chục năm nay.

Còn ở địa chỉ 29 Nguyễn Đình Chiểu gần đó là trụ sở của Công ty Thuốc thú y Trung ương 2 (Bộ NN-PTNT). Trong khi cả trụ sở UBND phường Đa Kao chỉ là một căn nhà phố ngang 4m, dài chưa đến 20m, thì trụ sở công ty này lại tọa lạc trên một diện tích mà ít ai ngờ tới: hơn 11.000m2, với bề rộng mặt tiền đến cả trăm mét!.. Tại quận 4, chỉ riêng đoạn dọc theo đường Bến Vân Đồn thuộc khu vực phường 12, có đến gần 30.000m2 nhà xưởng, trong đó 2/3 là thuộc Bộ NN-PTNT (Tổng Công ty Mía đường 2, Công ty Cao su Đồng Nai, Cao su Bà Rịa – Vũng Tàu…), lâu nay chỉ khai thác hết một phần công năng…

  • Sử dụng, cho thuê vô tội vạ

Sau khi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt có công thư gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng nêu vấn đề gây lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, nhất là nhà đất, trụ sở cơ quan của các bộ ngành, ngày 10-11 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, yêu cầu Bộ Tài chính trong tháng 12-2006 phải báo cáo ngay tình trạng này cho Thủ tướng.

Căn cứ vào danh sách các cơ quan trực thuộc của Bộ NN-PTNT, thì tại TPHCM, ngoài trụ sở Văn phòng 2 đóng tại 135 Pasteur, quận 3, bộ này còn có hơn 30 địa chỉ khác chính thức đăng ký làm trụ sở cho các cơ quan trực thuộc, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành như quận 1, 3, 5, Bình Thạnh, Tân Bình...

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, người viết bài phát hiện còn không ít cơ sở không có trong danh bạ của bộ. Cụ thể như tại quận Tân Phú, hiện có đến 5 khu nhà đất với tổng diện tích hơn 35.200m2 tại phường Hiệp Tân và Sơn Kỳ thuộc “sở hữu” của Bộ NN-PTNT. Điều đáng nói là có đến 3 trong 5 khu này với diện tích lên đến 31.000m2 ở phường Hiệp Tân lâu nay đã trở thành nhà xưởng của Công ty Vật tư thủy sản thuộc… Bộ Thủy sản!

Trong lúc đó, tại quận Bình Thạnh, Tổng Công ty Xây dựng thủy lợi 4 nằm trên diện tích lên đến 4.600m2 trên đường Nguyễn Xí, phường 26, do không sử dụng hết nên lâu nay phía mặt tiền cũng đã cho thuê làm quán cà phê, cửa hàng, còn phía bên trong trở thành… sân tennis!

Tại khu vực quận 3, ngoài Văn phòng 2 ở đường Pasteur rộng gần 3.300m2 và 3 trụ sở trực thuộc, Bộ NN-PTNT còn dành hẳn một khu nhà đất rộng 2.600m2 ở địa chỉ 90G Trần Quốc Toản (đoạn giữa đường Pasteur và Nam Kỳ Khởi Nghĩa), để làm trụ sở đoàn… xe (bãi đậu xe). Một cán bộ nhà đất quận 3 cho biết, trước đây khu nhà đất này được cho thuê để mở “nhà hàng lẩu dê”, nhưng từ khi có Quyết định 80 của Chính phủ, thì Bộ NN-PTNT đã thu hồi lại để tiếp tục làm… bãi đậu xe. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, ngoài một số chiếc xe đậu ở sân thì dãy nhà và biệt thự nơi đây đã trở thành… nhà ở của một số cán bộ, công nhân viên và hiện nay đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng…

Trong khi đó, theo kết quả kiểm tra tình trạng sử dụng đất tại 11 quận trên địa bàn TP do Sở TN-MT TPHCM thực hiện mới đây, có ít nhất 72 khu đất với tổng diện tích hơn 154.000m2 do các bộ, ngành trung ương quản lý được phát hiện đang trong tình trạng sử dụng không đúng mục đích, hoặc bỏ hoang hoặc cho thuê lại để mở cửa hàng, quán ăn, cơ sở sản xuất, tập trung ở các quận 6, 8, Tân Phú…

Theo tài liệu mà phóng viên thu thập được, ở thời điểm sau khi các bộ ngành được cơ cấu, sắp xếp lại, thì Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vẫn là đơn vị đứng đầu trong các bộ về số nhà đất “sở hữu” tại TPHCM với hơn 1.561.000m2. Kế đến là Bộ Công nghiệp (hợp nhất từ các bộ: Công nghiệp nhẹ, Cơ khí luyện kim, Năng lượng) với hơn 830.000m2. Đứng thứ 3 là Bộ NN-PTNT (sáp nhập từ các bộ Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm, Thủy lợi, Lâm nghiệp) với khoảng 611.000m2. Tiếp theo là các bộ: Thương mại (sáp nhập các bộ Nội thương và Ngoại thương) hơn 400.000m2; Giáo dục – Đào tạo 255.000m2; Y tế 251.000m2…

PHẠM TRƯỜNG

Thông tin liên quan

Bài 2: Lãng phí chồng lên lãng phí 

Bài 1: Chủ trương hợp lòng dân

Tin cùng chuyên mục