Tổng công ty Vật tư nông nghiệp

Lãi chuyển “sân sau”, lỗ giữ cho Nhà nước

Thông tin điều tra cho biết, có gần 10 công ty được coi là “sân sau” của Tổng Giám đốc Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (VTNN) Trần Văn Khánh. Với sự hiện diện của các “sân sau”, Tổng công ty 90 này đã biến thành “bà vú nuôi tốt bụng” bị những đứa con tham lam bòn rút.

Thông tin điều tra cho biết, có gần 10 công ty được coi là “sân sau” của Tổng Giám đốc Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (VTNN) Trần Văn Khánh. Với sự hiện diện của các “sân sau”, Tổng công ty 90 này đã biến thành “bà vú nuôi tốt bụng” bị những đứa con tham lam bòn rút.

Nhập phân bón: Khánh và “sân sau” đã “ăn” đủ!

Khoảng 2 tháng trước khi Trần Văn Khánh bị bắt, hơn 200 tỷ đồng (tiền Khánh đầu tư, đối tác nợ...) đã đổ về tài khoản của Tổng công ty VTNN. Khánh cũng đã nộp lại một nửa trong số 2,2 tỷ đồng đã chi tiếp khách, thuê xe trái quy định. Nhưng, tất cả đã muộn. Khánh đã bị bắt. Sau 13 năm làm Tổng giám đốc, Tổng công ty 90 này không mạnh hơn, mà chỉ lãi “vật vờ” mỗi năm vài trăm triệu. Còn nếu như vào năm 2001, thu nhập bình quân của Tổng công ty là 4,7 triệu đồng/tháng/người thì năm 2006, giảm xuống chỉ còn 3,4 triệu đồng/tháng/người.

Thực ra, lãi của Tổng công ty VTNN sẽ rất lớn nếu không có những vòi bạch tuộc mà Khánh dung dưỡng. Tổng công ty VTNN từng được Nhà nước giao nhiệm vụ nhập khẩu, dự trữ, lưu thông bảo đảm nguồn phân bón cung cấp cho trong nước. Nhà nước đã hỗ trợ, bù giá hàng trăm tỷ đồng cho hoạt động này.

Tuy nhiên, qua một số tài liệu mà cơ quan điều tra thu thập được cho thấy, nhiều chuyến hàng nhập khẩu về lãi lớn nhưng Khánh dành cho “sân sau”; còn các chuyến hàng lỗ, Khánh “ưu tiên” cho Nhà nước! Ví dụ: Vào tháng 10-2003, Tổng công ty VTNN nhập khẩu đạm urea từ tàu Asia Concerto ở cảng Hải Phòng. Thay vì bốc dỡ hàng, đưa về cho các công ty thành viên phân phối, Tổng công ty VTNN lại ký hợp đồng bán ngay tại mạn tàu cho Công ty TNHH Thành Lợi (số báo ra ngày 2-12, SGGP đã đề cập công ty này) với giá 2,66 triệu đồng/tấn, số lượng 6.000 tấn.

Ngay sau đó, tổng công ty lại ký hợp đồng mua lại số hàng trên của Thành Lợi với giá 2,79 triệu đồng/tấn! Tiếp đến, tổng công ty lại ký hợp đồng bán cho 10 đơn vị thành viên, yêu cầu các công ty này nhận hàng tại... mạn tàu cảng Hải Phòng. Như vậy, chỉ bằng động tác ký vài hợp đồng, Trần Văn Khánh đã chuyển cho Thành Lợi khoản lợi nhuận 748,2 triệu đồng!

Với cách làm như vậy cho các doanh nghiệp “sân sau”, theo ông Lê Thiên Long, thuộc Ban kiểm soát Tổng công ty VTNN, chỉ riêng 2 lô hàng phân urea bán cho Công ty TMDL Nam Cường, Công ty XNK Ba Đình và Công ty CP Đầu Tư và XD Đô thị, thì các “sân sau” đã rút lãi của Tổng công ty VTNN hơn 5,188 tỷ đồng. Khánh và “sân sau” đã ăn đủ. Trong khi đó, cả năm 2002, Tổng công ty VTNN chỉ lãi 991 triệu đồng!

Vốn của Nhà nước, thoải mái chiếm dụng!

Tài liệu từ Ban kiểm soát Tổng công ty VTNN cũng cho thấy, riêng 4 lô hàng phân bón “làm ăn” với “sân sau” trong năm 2003, Trần Văn Khánh đã rút ruột của chính tổng công ty mình để chuyển cho “sân sau” số tiền 8,179 tỷ đồng.

Điều đáng nói là hành động nói trên của Trần Văn Khánh diễn ra rất trắng trợn. Khánh chỉ giả bán cho “sân sau” và mua lại ngay với những lô hàng mà Khánh biết chắc là có chênh lệch giá cao, lãi cao. Qua kiểm tra, ông Lê Thiên Long cho biết, các hợp đồng mà Tổng công ty VTNN bán, mua lại phân bón cùng các biên bản, phụ lục hợp đồng… với các “sân sau” đều được dựng lên để che đậy hành vi gian lận. Hợp đồng ký sau nhiều tháng nhưng vẫn có thể kéo lùi thời gian bằng “sáng kiến” cài A, B vào số đã có trong sổ đăng ký của bộ phận văn thư, phòng kinh doanh...

Trong khi với các đơn vị trực thuộc, khi ký hợp đồng mua bán, ủy thác nhập khẩu… đều phải đặt cọc thì với các “sân sau”, Khánh lại đặc biệt ưu ái. “Sân sau” chẳng cần có vốn để đặt cọc ủy thác hay mua hàng của tổng công ty, mà dùng ngay tiền thu được “gọi là bán hàng” cho Tổng công ty VTNN theo kiểu “mỡ nó rán nó”. Bằng chứng là khi ký hợp đồng bán phân đạm cho “sân sau” thì “sân sau” không phải đặt cọc, lại thường được trả chậm. Nhưng khi ký hợp đồng mua lại phân đạm của “sân sau” thì Tổng công ty VTNN lại thường trả tiền ngay, nếu chậm thì chấp nhận trả tiền phạt tính theo lãi suất ngân hàng (!?).

Bằng thủ đoạn trên, trong 2 năm 2002 và 2003, Trần Văn Khánh đã đạo diễn, dựng lên các phi vụ mua bán phân đạm với các “sân sau” để chuyển số lãi khoảng 17,6 tỷ đồng cho họ. Bên cạnh đó, Khánh cũng đã để “sân sau” chiếm dụng nhiều chục tỷ đồng tiền vốn nhà nước của Tổng công ty VTNN. Tuy nhiên, theo thông tin từ Ban kiểm soát Tổng công ty VTNN, số lãi và vốn bị chiếm dụng nói trên “còn rất nhỏ so với các phi vụ bất động sản, cổ phần hóa mà Trần Văn Khánh đã đạo diễn, chuyển cho các “sân sau” trong một, hai năm gần đây”. 

NAM QUỐC 

Ngày 27-2-2003, Tổng công ty VTNN nhập 20.765,2 tấn urea với giá 2,034 triệu đồng/tấn từ tàu Morning Star, nhận hàng ở cảng Hải Phòng. Ngay sau đó, Trần Văn Khánh đã ký hợp đồng bán số phân đạm trên cho Công ty TMDL Nam Cường với giá 2,29 triệu đồng/tấn. Tiếp sau đó, Tổng công ty VTNN mua lại lô hàng trên của Công ty XNK Ba Đình (bị nghi ngờ là một công ty khác của Nam Cường) với giá 2,45 triệu đồng/tấn. Với phi vụ này, Tổng công ty VTNN bị “rút ruột” 3,207 tỷ đồng.

Chưa hết, việc thanh toán lô hàng mới ly kỳ. Ngày 7-2-2003, Tổng công ty VTNN thanh toán khoản tiền 2,730 triệu USD cho lô hàng. Tháng 8-2003, tức là 5 tháng sau khi bán, Tổng công ty VTNN mới thu được 47,138 tỷ đồng tiền bán hàng do Công ty Nam Cường trả (Nam Cường còn nợ 2 tỷ đồng). Trong khi đó, ngay từ tháng 4-2003, tổng công ty đã phải trả cho Công ty Ba Đình 50,8 tỷ đồng, trong đó có 193 triệu đồng tiền lãi do Tổng công ty VTNN chậm trả tiền!

Thông tin liên quan:

* Vụ tiêu cực ở Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp 
Khánh thuê ô tô của Thuyết “buôn vua” đi 7 lần hết... 1,22 tỷ đồng

* Vụ tiêu cực ở Tổng công ty Vật tư nông nghiệp: Trần Văn Khánh có dấu hiệu biển thủ “tài sản” của Lã Thị Kim Oanh

Tin cùng chuyên mục