Xung quanh kiến nghị tịch thu 41 con hổ nuôi tại Bình Dương, ông Ngô Duy Tân, Giám đốc Công ty Bia Pacific:

Chưa trung thực trong báo cáo lên Thủ tướng

Việc kiến nghị Chính phủ tịch thu 41 con hổ đang được các hộ gia đình nuôi dưỡng và nhân giống tốt tại tỉnh Bình Dương của ngành thú y, đang đặt ra nhiều vấn đề. Tại sao đến bây giờ, sau 7 năm “phát hiện” và khi số “hổ phụ” sinh ra một đàn “hổ tử”, cơ quan chức năng mới có sự kiên quyết “tịch thu vì vi phạm pháp luật”? Để rộng đường dư luận, phóng viên SGGP đã phỏng vấn ông Ngô Duy Tân, Giám đốc Công ty Bia Thái Bình Dương (Pacific), chủ nhân của 24 trong số 41 con hổ bị kiến nghị tịch thu.
Chưa trung thực trong báo cáo lên Thủ tướng

Việc kiến nghị Chính phủ tịch thu 41 con hổ đang được các hộ gia đình nuôi dưỡng và nhân giống tốt tại tỉnh Bình Dương của ngành thú y, đang đặt ra nhiều vấn đề. Tại sao đến bây giờ, sau 7 năm “phát hiện” và khi số “hổ phụ” sinh ra một đàn “hổ tử”, cơ quan chức năng mới có sự kiên quyết “tịch thu vì vi phạm pháp luật”? Để rộng đường dư luận, phóng viên SGGP đã phỏng vấn ông Ngô Duy Tân, Giám đốc Công ty Bia Thái Bình Dương (Pacific), chủ nhân của 24 trong số 41 con hổ bị kiến nghị tịch thu.

Chưa trung thực trong báo cáo lên Thủ tướng ảnh 1

4 con hổ mới sinh trong số 41 con hổ bị đề nghị tịch thu. Ảnh: C.T.V.

- Thưa ông, với tư cách người nuôi nhiều hổ nhất trong số hổ vừa bị kiến nghị tịch thu, ông có ý kiến gì về quyết định của cơ quan chức năng?

Trước hết cần phải khẳng định rằng: ngay từ đầu năm 2000, toàn bộ quá trình mua được số hổ “không rõ nguồn gốc” – 6 con - mà người ta đem đến chào bán, tôi đã báo cáo ngay với Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương lúc bấy giờ là ông Năm Đức (Nguyễn Văn Đức).

Sự việc đó đã được xác nhận và ông Năm Đức đã có ý kiến cho phép tôi được nuôi dưỡng số hổ này, vì cơ quan kiểm lâm địa phương không có điều kiện nuôi. Hồi đó, Pacific, Chi cục Kiểm lâm Bình Dương cũng đã báo cáo sự việc lên Cục Kiểm lâm, nhưng cục không hề có ý kiến phản hồi. Như thế không thể nói là Cục Kiểm lâm không biết.

- Nhưng cơ quan chức năng cho rằng, theo quy định của pháp luật, số hổ mà anh nuôi là không có nguồn gốc rõ ràng, là trái pháp luật, nên bắt buộc phải tịch thu?

Nói như thế là không thuyết phục. Bảo rằng không rõ nguồn gốc thì chỉ có 6 con hổ tôi mua lúc đầu. Còn toàn bộ số hổ con – 18 con – lúc sinh ra đều được cơ quan chức năng cấp khai sinh, được lập biên bản, quay phim, chụp hình, có hồ sơ lý lịch hẳn hoi, nên không thể nói số hổ này không rõ nguồn gốc. Hơn nữa, qua quá trình nuôi và nhân giống thành công, Cục Kiểm lâm cũng đã cấp giấy cho phép Vườn thú Hà Nội trao đổi hổ với chúng tôi (một con) để nhân và bảo tồn giống.

- Nhưng theo cơ quan chức năng thì mục đích của việc tịch thu số hổ này là để tạo điều kiện tốt nhất cho việc bảo tồn giống hổ nằm trong Sách đỏ thế giới?

Nói như thế là có phần ngụy biện. Các nhà chuyên môn đều khẳng định, chỉ ở đâu hổ có điều kiện sinh sống tốt nhất thì ở đó chúng mới có thể sinh sản. Tất cả các cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng, trong biên bản đều ghi rõ là số hổ này được chúng tôi nuôi dưỡng trong điều kiện tốt. Thực tế, thử hỏi, hiện nay có nơi nào ở Việt Nam nhân giống thành công loài động vật quý hiếm này như chúng tôi?

- Nhưng chúng ta không thể làm trái quy định pháp luật?

Các quy định pháp luật được ban hành là nhằm bảo vệ lợi ích xã hội. Quy định tịch thu động vật hoang dã, quý hiếm, là nhằm bảo vệ chúng khỏi nguy cơ bị giết hại, cũng là nhằm bảo vệ cân bằng sinh thái cho lợi ích của con người. Thực tế đã cho thấy, chúng tôi không những không giết hại mà còn bảo tồn, nhân giống thành công! Hơn nữa, ngay tại khoản 3, Điều 3 của Nghị định số 32 ngày 30-6-2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, cũng ghi rõ là: “Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm”. Điều đó cũng có nghĩa là chúng tôi được pháp luật bảo hộ cho việc làm nhằm mục đích tốt đẹp cơ mà.

Theo ông Ngô Duy Tân, nếu không có gì thay đổi, trong năm nay đàn hổ do ông nuôi sẽ đẻ thêm 6 con nữa, nâng số hổ được nhân giống lên 24 con, ngoài số hổ cha mẹ ban đầu (6 con). Và với số lượng hổ hiện nay, dự kiến trong 5 năm nữa, đàn hổ của ông sẽ đạt số lượng từ 250 - 300 con.

- Vậy ý ông là…

Nếu nhà nước kiên quyết tịch thu, chúng tôi chấp nhận. Nhưng liệu với thực tế hiện nay, nhà nước có đảm bảo rằng số hổ bị tịch thu sẽ được nuôi dưỡng và nhân giống tốt? Thực tình mà nói, chúng tôi thấy Cục Kiểm lâm đã báo cáo lên Thủ tướng không trung thực về toàn bộ quá trình nuôi dưỡng, bảo tồn số hổ này, dẫn đến việc động cơ của chúng tôi bị hiểu sai. Còn vì sao Cục Kiểm lâm lại báo cáo không trung thực, xin phép, tôi không thể nói, nhưng chắc chắn là có vấn đề!

- Cám ơn ông!

PHẠM TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục