Nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ

Ngày 9-4, TAND tỉnh Phú Yên tiếp tục phiên tòa sơ thẩm lần 2 vụ công an dùng nhục hình dẫn đến chết người tiếp tục với phần xét hỏi.

Xét xử vụ công an dùng nhục hình tại Phú Yên

(SGGP).- Ngày 9-4, TAND tỉnh Phú Yên tiếp tục phiên tòa sơ thẩm lần 2 vụ công an dùng nhục hình dẫn đến chết người tiếp tục với phần xét hỏi.

Tại phiên tòa, nhân chứng Hà Văn Đại (cán bộ Công an tỉnh Phú Yên) cho biết, trong ngày nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị đưa về trụ sở công an, Đại vào phòng xét hỏi, có thấy Nguyễn Thân Thảo Thành ngồi tại phòng này. Tuy nhiên, qua những lời khai của Đại với điều tra viên Công an tỉnh Phú Yên và lời khai với VKSND Tối cao có nhiều mâu thuẫn. Lúc thì nhân chứng khai có thấy nạn nhân bị còng tay, chân và bị Nguyễn Thân Thảo Thành dùng dùi cui dài 60 - 70cm đánh nạn nhân Kiều. Nhưng, có lần Đại lại khai nạn nhân không bị còng chân; nhân chứng chỉ nghe có tiếng la a á khi đã rời phòng. Trả lời câu hỏi của luật sự về những mâu thuẫn trong lời khai, Hà Văn Đại thừa nhận “lời khai vào thời điểm đó là không chính xác vì nhân chứng suy nghĩ biết càng ít càng tốt, càng có lợi cho bản thân”.

Tại tòa, đại diện phía cha mẹ nạn nhân là chị Ngô Thị Tuyết (chị gái nạn nhân) không đồng tình với cáo trạng của VKS. Theo kết quả mổ tử thi, các cơ quan chức năng cho biết trên cơ thể nạn nhân Kiều có đến 63 vết thương. Tuy nhiên, là người chứng kiến quá trình mổ tử thi, chị Tuyết khẳng định em mình có đến 72 vết thương, nhưng vì sao cáo trạng chỉ truy tố 5 bị cáo trong vụ án này đã đánh từ 2 - 5 cái vào đầu. Số vết thương còn lại do ai đánh? Chị Tuyết cũng đặt câu hỏi vì sao bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, người có cấp bậc thấp nhất trong vụ án này lại bị truy tố nặng nhất? Ngoài ra, chị Tuyết còn đề nghị HĐXX xem lại toàn bộ băng video ghi hình trong quá trình mổ tử thi nạn nhân, để làm rõ nhiều vết thương trên cơ thể nạn nhân bị bỏ qua, không đưa vào hồ sơ vụ án.

Được hỏi tại tòa, chị Trần Thị Tâm (vợ nạn nhân Ngô Thanh Kiều) cũng đồng quan điểm không đồng ý với cáo trạng của Viện KSND. Bởi theo chị Tâm, ngày 12-5-2012 chị có nhận giấy mời anh Kiều về Công an huyện Tây Hòa làm việc. Lúc này chồng chị không có ở nhà. Đến hơn 3 giờ sáng ngày 13-5, một nhóm công an đến nhà chị, dù không có lệnh bắt nhưng vẫn bắt anh Kiều đi. Đến sáng cùng ngày, chị Tâm điện thoại cho Trần Minh Cường (tội phạm trong vụ trộm cắp mà Kiều là nghi can) thì lúc này Cường vẫn ở nhà, chưa bị bắt. Do đó, không có chuyện anh Kiều bị bắt sau khi có lời khai của Cường với công an về việc anh Kiều là tòng phạm. Tại tòa, Trần Minh Cường đã khai là có nhận được điện thoại của chị Tâm báo việc anh Kiều bị bắt, sau đó mới ra đầu thú.

Khi được hỏi về mức bồi thường thiệt hại, chị Tâm đề nghị cáo bị cáo bồi thường dân sự, kể cả việc cấp dưỡng cho cha mẹ chồng, các con, tiền tổn thất tinh thần, tiền mai táng với con số gần 1,5 tỷ đồng. Chị Tâm cũng cho biết thêm, hiện chị đã làm giấy bãi nại cho 3 trong 5 bị cáo vì cho rằng các bị cáo này có thái độ ăn năn, tuy nhiên chị chưa hỏi ý kiến của gia đình chồng về chuyện bãi nại.

VĂN NGỌC

- Làm rõ hành vi “nhục hình bằng roi điện”

Tin cùng chuyên mục