(SGGPO).- Sáng nay, 2-10, Phòng Quản lý Di sản, thuộc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong quá trình đi sưu tầm các hiện vật liên quan đến văn hoá thời xưa đã phát hiện tại gia đình ông Phan Lê Sỹ, ở xóm Vĩnh Ngọc, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê đang lưu giữ một chiếc la bàn phong thủy cổ bằng ngà voi.
Chiếc la bàn này được làm thủ công bằng chất liệu ngà voi, có hình tròn, màu vàng, đường kính 10cm, dày 1,5cm. Mặt chính của la bàn có 8 vòng tròn tính từ tâm ra biên, trong các vòng tròn đó khắc các ký tự bằng chữ Hán và được chia theo 8 cung đều nhau.
Vòng 1 (vòng trong cùng) có 8 ký tự, được hiểu cho 8 cung của bát quái, tượng trưng cho tám yếu tố trong thiên nhiên: Càn (trời), Cấn (núi), Khảm (nước), Chấn (sấm), Khôn (đất), Đoài (đầm nước), Ly (lửa), Tốn (gió). Vòng 2 có 24 ký tự, vòng 3 có 60 ký tự, vòng 4 có 48 ký tự, vòng 5 có 48 ký tự, vòng 6 có 24 ký tự, vòng 7 có 48 ký tự, vòng 8 có 48 ký tự.
Chính giữa tâm có một lỗ hình tròn đường kính 2,5cm. Đây chính là tâm của la bàn, nguyên gốc mặt trên vòng tâm la bàn gắn kính, trong có hạt thủy ngân và trục, kim la bàn, nhưng đã bị vỡ. Mặt sau của chiếc la bàn được mài nhẵn.
Theo các nhà nghiên cứu phong thuỷ Hà Tĩnh cho biết, chiếc la bàn phong thủy cổ trên được các thầy địa lý thời xưa gọi bằng thuật ngữ là “Địa bàn” (la bàn dùng để xem hướng đất, mạch đất...) và niên đại của nó thuộc vào khoảng cuối thể kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Đây là chiếc la bàn phong thuỷ cổ làm bằng ngà voi rất hiếm khi được tìm thấy.
Được biết, la bàn phong thuỷ trên các thế hệ trong gia đình ông Sỹ đã lưu giữ và truyền giao từ đời này qua đời khác như một vật báu thiêng liêng của gia tộc.
Dương Quang