Phát hiện thỏ vằn ở Thừa Thiên - Huế

Thỏ vằn tên khoa học Nesolagus Timminsi, loài thú cổ còn sót lại ở Trường Sơn. Trước đó, loài thú quý hiếm này được tìm thấy ở Quảng Bình và Nghệ An, nhưng mới đây lần đầu tiên phát hiện tại Khu bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là thông tin thú vị nhưng cũng đặt ra nhiều trăn trở đối với những người làm công tác bảo tồn thiên nhiên.
Phát hiện thỏ vằn ở Thừa Thiên - Huế

Thỏ vằn tên khoa học Nesolagus Timminsi, loài thú cổ còn sót lại ở Trường Sơn. Trước đó, loài thú quý hiếm này được tìm thấy ở Quảng Bình và Nghệ An, nhưng mới đây lần đầu tiên phát hiện tại Khu bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là thông tin thú vị nhưng cũng đặt ra nhiều trăn trở đối với những người làm công tác bảo tồn thiên nhiên.

Cá thể thỏ vằn phát hiện tại tiểu khu rừng 405 - Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên - Huế.

Cá thể thỏ vằn phát hiện tại tiểu khu rừng 405 - Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên - Huế.

Dãy Trường Sơn ở miền Trung Việt Nam được biết đến như là một bể chứa carbon quan trọng, khu vực có tiềm năng đa dạng sinh học cao. Những dải núi trải dài, địa hình đồi dốc hiểm trở là môi trường sống lý tưởng của muôn loài. Trong đó, Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên - Huế nằm trong hành lang đa dạng sinh học vùng trung Trường Sơn có một số loài đặc hữu. Ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Khu bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, với phương pháp khảo sát và đặt bẫy ảnh, Khu bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát hiện và ghi nhận nhiều loài động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ IUCN (Bảo tồn Thiên nhiên thế giới) đang có nguy cơ bên bờ tuyệt chủng như: sao la, mang lớn, mang trường sơn, gà lôi lam mào trắng... Đặc biệt mới đây, bất ngờ phát hiện cá thể thỏ vằn với đặc điểm có lớp lông pha điểm những vết vằn. Khác với thỏ trắng sinh sản nhanh, thỏ vằn có quần thể rất ít, chỉ còn khoảng 100 đến 200 con ngoài tự nhiên, phạm vi phân bố hẹp, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề cần lưu tâm và đặt ra cho những người làm công tác bảo tồn thiên nhiên nhiều trăn trở. Trước đó, trong một lần tuần tra tại tiểu khu rừng 347 thuộc Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên - Huế, một cá thể Chà vá chân nâu, nặng khoảng 8kg được cán bộ khu bảo tồn giải thoát khỏi vòng bẫy của thợ săn.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, ngoài yếu tố bất lợi khi diện tích rừng tự nhiên ngày một thu hẹp, những năm trở lại đây, nhu cầu thị trường cũng như giá trị kinh tế đối với sản phẩm động vật hoang dã tăng lên, khiến số phận các loài động vật ở Trường Sơn bị đe dọa nghiêm trọng. Khảo sát của Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế cho thấy, rất nhiều loài động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng bị buôn bán và tiêu thụ trái phép. Trong đó có ít nhất 22 loài thú, 9 loài chim và 16 loài bò sát. Nhiều đầu nậu và nhà hàng kinh doanh động vật hoang dã ở các thị xã Hương Trà, Hương Thủy và TP Huế đã thuê hẳn một đội quân từ Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh vào nằm vùng tại nhiều khu vực rừng nguyên sinh đặt bẫy và săn bắt thú.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục