
Sự kiện Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields trở thành cột mốc để nhìn nhận, thay đổi và đầu tư cho một nền toán học phát triển trong tương lai. “Làm thế nào để phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trẻ toán học?” là nội dung buổi giao lưu trực tuyến do Báo SGGP tổ chức ngày 15-9. Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM; TS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu; TS Trần Nam Dũng, Giảng viên ĐH Khoa học tự nhiên và thầy Trần Đức Huyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tham dự buổi giao lưu.

Nhiều vấn đề được đặt ra tại buổi giao lưu trực tuyến “phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ toán học”. Ảnh: CAO THĂNG
Nuôi dưỡng từ gốc
“GS Châu mất hơn 20 năm “sống” cùng toán học để đi đến Huy chương Fields danh giá. Điều đó cho thấy, để có những tài năng khoa học, cần phải phát hiện sớm, có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng bài bản, xuyên suốt”, TS Trần Nam Dũng mở đầu buổi giao lưu.
TS Dũng nhấn mạnh: Chúng ta đang thiếu sự phát triển từ gốc. Việc phát triển tài năng toán học phải được thực hiện từ những cấp học dưới và tiếp tục ở bậc ĐH, sau ĐH. Người học toán trước hết phải chuẩn bị cho mình một kiến thức cơ bản vững chắc, nắm vững các khái niệm, các vấn đề lý thuyết và ý nghĩa ứng dụng của nó. Nhất thiết phải có tư duy logic, kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, kỹ năng trình bày. Cũng đừng nghĩ là học toán không cần thuộc lòng, chỉ có điều thuộc bài mang tính logic.
Một bạn đọc đặt câu hỏi: “Làm thế nào để phát hiện trẻ có năng khiếu về môn toán để đầu tư?”. TS Nguyễn Thanh Hùng trả lời: Có thể cho học sinh (HS) tham gia một số kỳ thi toán trên mạng trong nước và quốc tế; giải thử bài toán trong sách tham khảo nâng cao; liên lạc với giáo viên có kinh nghiệm phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi toán để nhờ kiểm tra khả năng của cháu…
Trả lời một bạn đọc ở quận Gò Vấp trăn trở về công tác phát hiện và bồi dưỡng HS giỏi của TPHCM, thầy Nguyễn Hoài Chương khẳng định: Ngành GD-ĐT TPHCM luôn quan tâm đến việc phát hiện và bồi dưỡng HS giỏi ngay từ các cấp học dưới (tiểu học, THCS). Tuy nhiên, công tác đào tạo HS giỏi của TP thiếu tính kế thừa lại không có sự đeo bám xuyên suốt. Một HS đoạt giải ở lớp 9 môn Toán nhưng lên đến các bậc học trên lại “tịt” vì không được tiếp tục bồi dưỡng.
Hướng “nuôi dưỡng” đội ngũ HS giỏi của TPHCM hiện nay là tuyển chọn các em học sinh giỏi toán vào học các lớp chuyên toán để học môn toán với những thầy cô giáo giỏi nhất. Ngoài ra các em còn được miễn học phí và được cấp học bổng.
Sẽ có thêm nhiều Ngô Bảo Châu
* Theo các chuyên gia giáo dục, hệ thống các trường THPT chuyên đã góp phần phát hiện những HS học giỏi, có năng khiếu và tố chất làm khoa học. Đó là môi trường thuận lợi để HS được bồi dưỡng với điều kiện tốt. TS Trần Nam Dũng cho biết: Chương trình chuyên toán ở các trường chuyên cung cấp cho HS các kiến thức cơ bản, nền tảng giúp các em thi tốt các kỳ thi đại học, học tốt tại bậc đại học. Không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng giải toán, mà còn rèn luyện khả năng tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề, rèn luyện khả năng tự học và độc lập nghiên cứu. Vì vậy hành trang của một HS khi ra trường không chỉ là một kiến thức vững vàng, mà còn là sự tự tin trước các vấn đề mới, khả năng tự học hỏi - đó chính là những kỹ năng cần thiết để các em có thể học tốt ở các bậc học tiếp theo. |
Tham gia buổi giao lưu trực tuyến, nhiều bạn trẻ băn khoăn: “Hiện nay, Chính phủ đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng Viện Toán học cao cấp nhưng dường như khi tài lực đã được khơi thông, nguồn nhân lực lại quá mỏng. Chúng ta cần có lộ trình giáo dục - đào tạo để có đội ngũ kế cận, đảm bảo cả về lượng và chất”.
Trước băn khoăn này, ông Nguyễn Hoài Chương chia sẻ: Chính phủ đồng ý cho thành lập Viện Toán học cao cấp Việt Nam là cơ hội để nền toán học Việt Nam có điều kiện quy tụ những nhà toán học hàng đầu thế giới. Đúng là hiện nay, số nhà toán học Việt Nam có công trình tầm cỡ thế giới còn quá ít, hy vọng rằng trong tương lai nhà nước sẽ có nhiều chính sách hiệu quả hơn nhằm giúp cho nền toán học Việt Nam phát triển, đặc biệt là sau sự kiện Ngô Bảo Châu.
Trước sự quan tâm của nhiều bạn đọc: bao giờ Việt Nam có Ngô Bảo Châu thứ 2, thầy Trần Đức Huyên tin tưởng: Trong tương lai Việt Nam sẽ có thêm nhiều Ngô Bảo Châu nhưng với điều kiện chúng ta biết cách phát hiện và bồi dưỡng các tài năng toán học trẻ tuổi. Đặc điểm của HS Việt Nam là rất hiếu học, biết độc lập suy nghĩ và kiên trì.
Riêng đội ngũ giáo viên bồi dưỡng toán của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong không ngừng cải tiến phương pháp để bồi dưỡng một cách có hiệu quả HS chuyên toán. Phát triển tài năng cần có môi trường thuận lợi và những cơ chế phù hợp nên không đơn giản và nóng vội ngày một ngày hai được.
Tuy nhiên, nhiều bạn đọc lo ngại khi những năm gần đây, HS ít mặn mà với các kỳ thi HS giỏi, nhất là các môn khoa học cơ bản như toán, lý... Thầy Trần Đức Huyên giải thích, đây là hiện tượng có thật, học sinh trúng tuyển vào trường là do điểm ngoại ngữ (tiếng Anh) cao. Gia đình khuyến khích các em đi du học nên không thiết tha học các môn như toán, lý, hóa, sinh.
“Chúng tôi có những biện pháp khắc phục như khi phát hiện HS có năng khiếu các môn cơ bản, giáo viên tích cực bồi dưỡng, nhà trường cấp học bổng trong suốt 3 năm trung học và 4 năm đại học; tổ chức các câu lạc bộ khoa học để kích thích niềm say mê học tập và nghiên cứu khoa học…” - thầy Huyên cho biết.
TS Trần Nam Dũng, người từng đoạt giải Toán quốc tế, băn khoăn: Hiện nay ở cấp phổ thông, chưa có trường nào đào tạo những kiến thức chuyên sâu ứng dụng của toán cho HS phổ thông. Trước mắt, các bạn có thể tìm hiểu lĩnh vực này thông qua các buổi tư vấn hướng nghiệp tại các trường đại học. Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị thành lập Hội Toán tài chính TPHCM.
“Chúng ta đang có một thời cơ tốt để phát triển toán học - ông vua của các ngành khoa học. Nhưng làm thế nào để biến nó thành bệ phóng cho nền toán học VN là cả một bài toán lớn từ cơ chế vĩ mô đến đầu tư môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học nghiên cứu. Chúng ta cần tìm tòi phát hiện, bồi dưỡng những tài năng trẻ, nhưng trước hết phải chu toàn nền tảng giáo dục phổ thông”, TS Trần Nam Dũng kết luận.
Tiêu Hà
>> Xem toàn bộ nội dung buổi giao lưu trực tuyến