Phát hiện và xử lý sai phạm từ sớm

Với Tổ quốc, chúng ta thực hiện chiến lược “bảo vệ từ sớm từ xa” thì việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phải phát hiện và xử lý sai phạm từ sớm, từ ngay cơ sở.

Số liệu của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương cho biết, trong năm 2023, cấp ủy các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 355 tổ chức đảng và 2.388 đảng viên. Kết quả kiểm tra, 213 tổ chức đảng có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 87 tổ chức, đã thi hành kỷ luật 58 tổ chức; có 1.814 đảng viên vi phạm, phải thi hành kỷ luật 1.287 đảng viên, đã thi hành kỷ luật 1.169 đảng viên. UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3.537 tổ chức đảng và 9.246 đảng viên; kết luận có 2.315 tổ chức đảng và 7.395 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 284 tổ chức đảng và 3.052 đảng viên.

Theo đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, quá trình kiểm tra, giám sát cho thấy, dù đã được quán triệt nhiều nhưng vấn đề tự soi, tự sửa còn hạn chế, khó khăn. Nếu các sai phạm của đảng viên không được phát hiện sớm từ tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy đảng, từ bản thân cán bộ đó, mà chỉ được phát hiện từ cơ quan chức năng, thì còn nhiều khó khăn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vì vậy, thời gian tới, cấp ủy và UBKT các cấp cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát từ cấp cơ sở.

Chưa bao giờ việc xử lý kỷ luật Đảng được thực hiện quyết liệt như hiện nay. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, có hơn 1.400 tổ chức đảng, hơn 66.000 đảng viên bị kỷ luật. Trong số 83 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 59 cán bộ vi phạm từ trước, 24 đảng viên vi phạm tại thời điểm hiện nay. Đó là những con số đáng suy nghĩ. Vì sao sai phạm, khuyết điểm của 59 cán bộ đó không được phát hiện và xử lý từ các nhiệm kỳ trước? Phải chăng trước đây chưa làm “mạnh và quyết liệt”, nên các sai phạm bị bỏ qua, đến nay những sai phạm đó “bục phát”, buộc phải xử lý?

Nhiều nhiệm kỳ qua, chúng ta đã đẩy mạnh chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng vẫn còn những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cao. Như đồng chí Trương Thị Mai đặt vấn đề: Vi phạm đó do vô ý, hay do cán bộ chưa biết sợ, đặt lợi ích của cá nhân cao hơn lợi ích của Đảng mà vi phạm quy định?

Những con số vi phạm nêu trên cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng phải quyết liệt, hiệu quả, nhanh nhạy, nghiêm minh hơn. Đặc biệt, công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, phải tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện, chặt chẽ hơn, nhằm xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ đáp ứng được yêu cầu giai đoạn mới. Trong đó có việc hết sức quan trọng là chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng.

UBKT Trung ương đang hoàn thiện 4 quy định về: Bảo vệ người tố giác, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Giải mật thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của đảng; Cơ chế phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. UBKT Trung ương cũng quyết định đưa nội dung kê khai tài sản, thu nhập của người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu vào nội dung các cuộc kiểm tra, giám sát. Khi những quy định này được ban hành cộng với quyết tâm cao, công tác kiểm tra giám sát của Đảng ngày càng hiệu quả, nhất là trong việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm ở các cấp.

Với Tổ quốc, chúng ta thực hiện chiến lược “bảo vệ từ sớm từ xa” thì việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phải phát hiện và xử lý sai phạm từ sớm, từ ngay cơ sở.

Tin cùng chuyên mục