Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025” (17-11-2017) là một trong những sự cụ thể hóa sống động nhất trong vận dụng sáng tạo Nghị quyết 54 của Quốc hội về việc giao cơ chế đặc thù cho TPHCM quản lý đất đai, quản lý đầu tư, tài chính, ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức viên chức thuộc TPHCM quản lý. Đây là một phương hướng táo bạo và thông minh nhất nhằm phát huy tối đa tiềm lực của TP, khắc phục những hạn chế, yếu kém trên con đường phát triển nhanh và bền vững của TPHCM.
Muốn “thông minh” phải “khởi nghiệp” trước
Khái niệm “TP thông minh” (smart city) về cơ bản ra đời từ năm 2005 và được nhận thức như một TP mà toàn bộ hệ thống vận hành và các dịch vụ của nó đều hoạt động một cách tối ưu nhất trên cơ sở ứng dụng và phối - kết hợp thông minh công nghệ thông tin (CNTT), truyền thông (ICT), kỹ thuật số... nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực, bảo vệ môi trường sống, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp (DN).
Kinh nghiệm thế giới với trên 100 TP đã và đang xây dựng TP thông minh cho thấy, nhiều bài học thành công và thất bại mà những TP đi sau như TPHCM cần hết sức chú ý học hỏi, vận dụng sáng tạo vào từng trường hợp cụ thể. Vì xây dựng TP thông minh là quá trình lâu dài nên cần có một chiến lược tốt nhất với những bước đi và biện pháp thích hợp.
Quy hoạch TPHCM một cách toàn diện, tích hợp và hướng đến tương lai là trụ cột đầu tiên và cơ bản nhất để bắt tay vào xây dựng TP thông minh.
Dựa trên quy hoạch chung của TP, quy hoạch về ICT sẽ được xây dựng để đảm bảo cơ sở hạ tầng ICT nền tảng và chuyên ngành đều đạt mức độ hoàn thiện và tinh vi. Do đó, ở TPHCM việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng TP thông minh là rất cấp bách và then chốt.
Điều chỉnh quy hoạch và triển khai quy hoạch theo hướng mới này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng dân cư; do đó, chẳng những cần đến quyết tâm chính trị của chính quyền mà còn cần cách làm thông minh để đảm bảo mọi người dân có liên quan sẽ “cùng thắng” với TP trên con đường phát triển.
Những kinh nghiệm về triển khai Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) chắc chắn đã cung cấp cho chúng ta những bài học quý giá về vấn đề này.
Khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM (gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) với thế mạnh là KĐTMTT, Khu Công nghệ cao, 12 trường đại học gồm khoảng 1.500 giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên và trên 70.000 sinh viên, đang được triển khai như một mẫu hình đầu tiên của đô thị sáng tạo, đô thị khởi nghiệp, tiền đề hình thành đô thị thông minh, và sẽ đem đến cho TPHCM những kinh nghiệm quý báu đầu tiên của đề án đô thị thông minh.
Một TP khởi nghiệp có thể chưa đạt trình độ một TP thông minh, nhưng một TP thông minh thì nhất thiết phải là TP khởi nghiệp tốt nhất, vì chỉ có TP thông minh mới tạo ra được một “hệ sinh thái khởi nghiệp” (start-up ecosystem) tốt nhất trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Quá trình xây dựng quốc gia thông minh của quốc đảo Singapore cũng là quá trình biến Singapore trở thành 1 trong 10 nơi đáng khởi nghiệp nhất trên thế giới. Hệ sinh thái khởi nghiệp đó dựa trên ICT, thực hiện việc phối - kết hợp rất tốt giữa khu vực tư và công, tư và tư, công và công; thực hiện tốt mô hình “kiềng ba chân” (nhà nước - đại học, viện nghiên cứu - DN); trong đó, vai trò của nhà nước hết sức to lớn trong việc phối - kết hợp, cũng như nuôi dưỡng và phát triển văn hóa “thử nghiệm và đổi mới” bằng chính sách hướng dẫn và hỗ trợ về cơ chế lẫn tài chính.
Quá trình xây dựng quốc gia thông minh của Singapore đã hình thành nên các chương trình đầu tư mạo hiểm do Quỹ Nghiên cứu quốc gia (NRF) điều phối.
Các chương trình này được nhà nước đầu tư ở mức độ nhất định, phần còn lại do các DN tư nhân kêu gọi vốn. Nếu dự án thành công, DN có thể mua lại cổ phần của nhà nước.
Nếu dự án thất bại, DN chỉ trả lại cho nhà nước mỗi năm 5% số tiền đầu tư. Từ năm 2008 đến 2015, số dự án start-up đầu tư mạo hiểm thất bại chỉ chiếm 1,7% (25 dự án).
Hiện nay ở TPHCM “hệ sinh thái khởi nghiệp” gần như chưa hình thành, sự hợp tác “kiềng ba chân” còn rất yếu, vai trò của chính quyền còn mờ nhạt trong thúc đẩy những đầu tư mạo hiểm start-up, văn hóa thử nghiệm và đổi mới trong khởi nghiệp gần như chưa xuất hiện.
Xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi sự quản lý nhà nước phải hết sức năng động, đặc biệt trong việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp - văn hóa khởi nghiệp. Chính quyền phải phát hiện trước vấn đề, biết nhìn lại khi có dấu hiệu bất ổn và tiếp thu kinh nghiệm thế giới để giải quyết những bài toán của mình.
Đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo, quản lý chất lượng cao
Thành phố thông minh đặt con người ở vị trí trung tâm trong 4 yếu tố: Chính quyền - nhân lực - sự tương tác, kết hợp công nghệ. Không phải công nghệ tạo nên TP thông minh mà cái chính là con người sử dụng công nghệ đó một cách sáng tạo nhất.
Do đó, việc chú ý đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, nguồn nhân lực nắm vững ICT và mặt bằng khả năng IT của cư dân TP, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo và trí thức là hết sức quyết định.
Ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng trong 10 năm qua, nguồn nhân lực về CNTT đã phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ người dân phổ cập internet đã đạt 52%, vượt mức bình quân của thế giới. CNTT được phổ cập ở hầu hết các trường phổ thông và khoảng 80% trường ĐH, CĐ.
Hơn 1 triệu lao động đang làm việc trong ngành CNTT. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp CNTT, cả phần cứng và phần mềm, đạt bình quân 30%/năm.
Các khảo sát gần đây cho thấy, CNTT vẫn là ngành thu hút nhất đối với giới trẻ, trên cả ngành tài chính - ngân hàng và quản trị kinh doanh.
Điều này chứng tỏ tiềm lực ngành CNTT ở Việt Nam (chủ yếu ở TPHCM và Hà Nội) là rất lớn. Tuy nhiên, so với nhiều nước ở Đông Nam Á, điểm yếu của nhân lực về CNTT Việt Nam là trình độ tiếng Anh còn thấp nên gây ra nhiều bất cập trong tương tác, kết nối với thế giới.
Để xây dựng TP thông minh, chính quyền TP cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho phong trào phổ cập CNTT trong nhân dân, tăng nhanh những quan hệ giữa nhân dân và chính quyền bằng CNTT.
Xây dựng TP thông minh không chỉ đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ ICT cao mà còn đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao toàn diện, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo và quản lý TP.
Cơ chế đặc thù mang lại cho TP cơ hội tốt nhất để TP đào tạo được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xuất sắc; cũng như thu hút được nhiều chuyên gia, nhân tài phục vụ cho TP, nhất là những chuyên gia hàng đầu trong thiết kế và vận hành một TP thông minh của thế giới.
Với những nỗ lực của chính quyền và nhân dân TPHCM, hy vọng, TPHCM sẽ thành công lớn trong xây dựng TP thông minh ở nước ta.
(Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia - Trường Đại học KHXH-NV, ĐHQG TPHCM)