Nông sản cạnh tranh kém vì chi phí sản xuất cao dẫn đến giá thành cao. Nông sản cạnh tranh kém vì chất lượng không đồng đều, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Giải pháp để tháo gỡ 2 nút thắt “chi phí cao” và “chất lượng kém” sẽ không thể thực hiện được nếu chúng ta vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát.
Sản xuất nhỏ thì chi phí cao. Sản xuất tự phát thì sẽ không tuân thủ một quy trình chung để bảo đảm chất lượng, độ đồng đều cho nông sản. Sản xuất riêng lẻ thì ngay người sản xuất cũng sẽ tự cạnh tranh với nhau. Cạnh tranh với nhau thì người sản xuất muốn mua trước, mà để được mua trước thì phải mua giá cao hơn. Cạnh tranh với nhau thì người sản xuất muốn bán trước, mà để được bán trước thì phải bán giá thấp hơn. Vậy là thiệt cả 2 đầu “mua và bán”. Để cạnh tranh, người nông dân có thể cắt giảm quy trình canh tác nhằm giảm chi phí, sử dụng những hóa chất độc hại để nông sản được lớn hơn, đẹp hơn. Đây là “điểm liệt” trên thị trường, làm cho nền nông nghiệp thiếu bền vững. Những phân tích nêu trên cho thấy hợp tác xã (HTX) là cứu cánh duy nhất giúp tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, doanh nghiệp và cả nền nông nghiệp. Rất tiếc vì nhiều lý do, nhiều HTX chậm chuyển đổi, hoạt động không đúng bản chất, chưa thật sự là “bà đỡ” cho mục tiêu “giảm chi phí và nâng cao chất lượng”.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến kinh tế hợp tác chưa phát triển như các nước chính là lòng tin của người nông dân và đây đó chưa hiểu đúng, đầy đủ bản chất của HTX. Muốn tạo dựng lòng tin trong nông dân cần phải có một không gian cộng đồng để người dân đến với nhau, chia sẻ với nhau, bớt đi sự đố kỵ, hẹp hòi vì những va đập trong cuộc sống. Không gian cộng đồng đó, ở Đồng Tháp xuất hiện mô hình “Hội quán nông dân”. Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 58 hội quán ra đời gắn với một vùng nguyên liệu cụ thể, trong các hội quán này đã có 597/3.146 đảng viên là thành viên, chiếm tỷ lệ 18,98%; 15/58 đảng viên là Chủ nhiệm Hội quán, chiếm tỷ lệ 25,86%. Có thể nói “Đảng đã cùng với nông dân, sống trong lòng nông dân” để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông thôn. Hội quán nông dân là mảnh ghép gắn kết với Hội Nông dân, nhằm đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Hội quán được thành lập với phương châm “chăm chỉ - tự lực - hợp tác”, trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân, là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn. Từ những buổi sinh hoạt của hội quán, chuyện xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự, hỗ trợ giảm nghèo, xử lý môi trường được chính người dân bàn luận và thực hiện. Những công trình hạ tầng do người dân tự thực hiện, hoặc “chính quyền cung cấp vật tư - người dân thực hiện”, “tình làng - nghĩa xóm” sẽ được kết chặt, niềm tin được nâng lên. Từ hội quán, người nông dân kết nối với các doanh nghiệp, các chuyên gia từ các viện trường, nhờ đó kiến thức của người dân được nâng lên. Vai trò chủ thể của người nông dân được khẳng định, tinh thần tự lực, tự chủ, tự cường được phát huy, người nông dân thực sự tham gia vào quản trị địa phương và làm chủ xóm làng.
Hợp tác với nhau trong cuộc sống sẽ làm tiền đề cho hợp tác trong sản xuất. Thực tế là đã có nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp lần lượt ra đời hoạt động đúng bản chất, đa dịch vụ trên nền của các hội quán; từ đó tạo ra một phong trào đang lan tỏa nhanh ở Đồng Tháp. Đến nay, toàn tỉnh có 129 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012; có 949 tổ hợp tác và 58 trang trại đang được củng cố và thành lập mới. Cũng thông qua mô hình hội quán, người nông dân được hướng dẫn, tiếp cận quy trình sản xuất sạch, nông nghiệp có trách nhiệm, nông nghiệp thông minh. Các mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi”, “Ruộng nhà mình”… đặt nền móng cho thương mại điện tử, nối kết nông sản ra thị trường bằng công nghệ số. Ngoài ra, bà con còn được hỗ trợ làm du lịch cộng đồng, các hoạt động khởi nghiệp trên lĩnh vực bảo quản, chế biến, đóng gói bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu làm đa dạng hóa sản phẩm.
Đồng Tháp là một trong những địa phương đi những bước đầu tiên trên hành trình chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”; lấy giá trị gia tăng trong từng công đoạn của chuỗi ngành hàng nông sản làm mục tiêu hướng tới. Trục liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa nông dân và doanh nghiệp được phát huy bắt đầu từ những cánh đồng mẫu lớn, các hội quán, HTX. Một trong những điểm yếu trong sản xuất và tiêu thụ là “thông tin bất cân xứng” - một trong các bên tham gia vào chuỗi ngành hàng không biết rõ thông tin về một hay các bên còn lại. Do đó cần thiết lập những công cụ quản lý để minh bạch, cung cấp thông tin nhiều nhất, nhanh nhất, thuận tiện nhất cho nông dân, HTX và doanh nghiệp. Làm được điều này sẽ tạo dựng lòng tin và nâng dần niềm tin cho tất cả các bên tham gia. Có như vậy, mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ mới thật sự bền vững.
Có thể nói, HTX có tầm quan trọng đối với tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Vì vậy, có một luật riêng, đủ mạnh sẽ làm cho HTX có đủ nguồn lực và sức mạnh dẫn dắt kinh tế hộ. Bên cạnh đó, cần chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”; đồng thời cần có nhiều cơ chế, chính sách song hành. Đặc biệt là hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, để đẩy mạnh hoạt động sản xuất theo chuỗi ngành hàng, trong đó tiếp cận công nghệ bảo quản, chế biến nông sản…