Phát huy vị thế ngành kinh tế chủ lực

Để có đánh giá toàn diện về các chính sách, giải pháp hỗ trợ ngư dân trong phát triển kinh tế biển, đúc kết những kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả hơn tronga thời gian tới, ngày 22-12-2013 tại tỉnh Phú Yên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp cùng Báo SGGP, Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức hội thảo: “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển”. Báo SGGP giới thiệu một số tham luận trước hội thảo.
Phát huy vị thế ngành kinh tế chủ lực

Hội thảo các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển

LTS: Để có đánh giá toàn diện về các chính sách, giải pháp hỗ trợ ngư dân trong phát triển kinh tế biển, đúc kết những kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả hơn tronga thời gian tới, ngày 22-12-2013 tại tỉnh Phú Yên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp cùng Báo SGGP, Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức hội thảo: “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển”. Báo SGGP giới thiệu một số tham luận trước hội thảo.

Nhận diện tiềm năng

Nước ta có chiều dài bờ biển 3.260km, 1 triệu km vuông vùng biển kinh tế đặc quyền rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, có vị trí địa chính trị hết sức quan trọng với hơn 3.000 hòn đảo. Cả nước có 28 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương có biển (trong đó có 10 tỉnh và thành phố có hải đảo, quần đảo) với tổng diện tích 208.560km vuông chiếm 41% diện tích cả nước và 41,2 triệu dân, chiếm gần một nửa dân số Việt Nam. Bờ biển nước ta bao lấy lãnh thổ ở cả ba hướng: Đông, Nam và Tây Nam, trung bình khoảng 100km vuông đất liền có 1km bờ biển (cao gấp 6 lần tỷ lệ này của thế giới).

Các tàu khai thác xa bờ của Tổ đoàn kết ngư dân huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Ảnh: Minh Phong

Các tàu khai thác xa bờ của Tổ đoàn kết ngư dân huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Ảnh: Minh Phong

Triển khai các nghị quyết của Đảng về kinh tế biển và Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, ngày 6-9-2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1570/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thực tế để khai thác lợi thế kinh tế biển, nước ta đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các đảo lớn như Côn Đảo, Phú Quốc, Trường Sa, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Vân Đồn. Đã hình thành hệ thống các khu công nghiệp, các cảng biển, cảng cá, khu du lịch từ Quảng Ninh cho đến Cà Mau, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước lên đến 662.249ha, thu hút khoảng 700 dự án do nước ngoài và trong nước đầu tư với số vốn gần 33 tỷ USD và 330.000 tỷ đồng.

Biển Đông là tuyến đường biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới (sau Địa Trung Hải). Trong 39 tuyến đường hàng hải hiện đang hoạt động trên thế giới thì có 29 tuyến đi qua biển Đông. Trung bình mỗi ngày có 250 - 300 lượt tàu biển vận chuyển qua biển Đông. Hàng năm, qua biển Đông khối lượng vận chuyển chiếm 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Trung Đông và Đông Nam Á; khoảng 45% hàng xuất khẩu của Nhật Bản và 60% hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Vùng biển Việt Nam án ngữ trên con đường này.

Lợi thế phát triển kinh tế biển của Việt Nam là điều không phải bàn. Nhưng thực tế trong một thời gian dài, Việt Nam chỉ tập trung cho các ngành khai thác tài nguyên biển - thủy sản, dầu khí, tức là những loại tài nguyên thô và có nguy cơ cạn kiệt. Ngược lại, chưa đầu tư tái tạo nguồn lợi thủy sản, ngành chế biến yếu kém chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô; chưa khai thác đúng mức những tài nguyên mang đến giá trị gia tăng cao như du lịch biển, cảng biển, hàng hải quốc tế…

Tác động của biến đổi khí hậu đến sự phát triển kinh tế biển hiện nay là mối đe dọa trực tiếp đến vùng biển cũng như ven bờ. Ngành kinh tế biển là ngành đầu tiên chịu sự thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng nhưng việc đối phó còn mang tính thụ động.

Chậm chân và bỏ lỡ cơ hội?

Phát biểu tại TP Nha Trang nhân Ngày Đại dương thế giới (8-6-2011), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Ngày nay, trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền đang dần cạn kiệt, không gian kinh tế truyền thống trở nên chật chội, nhiều quốc gia đang hướng ra biển để tìm kiếm, khai thác các nguồn tài nguyên, đảm bảo các nhu cầu về nguyên nhiên liệu, năng lượng, thực phẩm… Biển và hải đảo ngày càng trở thành nguồn lực kinh tế to lớn và không gian sinh tồn mới; đồng thời có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng”.

Thực tế thương mại hàng hải và kinh tế toàn cầu nhìn chung tăng trưởng tỷ lệ thuận với nhau. Giai đoạn 1991 - 2003, tăng trưởng hàng hải 2,7%/năm, kinh tế tăng 2,8%/năm. Trong giai đoạn suy thoái kinh tế, năm 2009 kinh tế giảm 1,9% và hàng hải giảm 4,5% so với năm 2008. Giai đoạn hồi phục kinh tế, năm 2010 kinh tế tăng trưởng 3,5%, hàng hải tăng 2,5%. Thế giới đang cố gắng tiến ra biển, chiếm hữu không gian biển, khai thác biển ở tất cả các loại hình, cấp độ và với những công cụ và phương thức hiện đại, như Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc. Nếu so sánh với một số nước có biển trong khu vực thì giá trị hoạt động của kinh tế biển Việt Nam chỉ bằng 24% của Trung Quốc, 14% của Hàn Quốc và 1% của Nhật Bản.

Phát triển kinh tế biển phải phục vụ cho chiến lược quốc gia tổng thể chứ không nên phân bổ đều vì lợi ích từng địa phương hay lợi ích nhóm. Một vấn đề hết sức quan trọng là phải dành ngân sách tương xứng để triển khai mục tiêu đến năm 2020 kinh tế biển chiếm trên 50% GDP thay vì phân bổ với mức rất thấp như hiện nay

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), trong vòng 20 năm tới ngành kinh tế biển sẽ bùng nổ với việc khai thác năng lượng gió ở ven biển và ngoài khơi, năng lượng thủy triều; khai thác dầu khí, kim loại, đất hiếm. Nghề nuôi trồng hải sản sẽ đuổi kịp rồi vượt qua đánh bắt truyền thống. Công nghệ sinh học hải dương năm 2012 trị giá khoảng 2,8 tỷ USD sẽ tăng trưởng đạt 4,6 tỷ USD vào năm 2017. Du lịch và giải trí biển tăng mạnh, đặc biệt là loại hình du thuyền. Trong vòng 3 thập niên, số người đi du thuyền tăng gấp 24 lần và năm 2011 có khoảng 16 triệu người đi du thuyền, tốc độ tăng trưởng hành khách hàng năm trung bình đạt 7,5% và chi tiêu ước tính đạt 18 tỷ USD mỗi năm. Nước ta sẽ làm gì để đón đầu các xu thế này?

Tạo cú hích đột phá

Phát triển kinh tế biển không chỉ là vấn đề xóa đói giảm nghèo cho ngư dân và người dân ven biển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn vì mục tiêu bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững cương thổ quốc gia, đưa đất nước tiến lên giàu mạnh. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức toàn xã hội về chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trước mắt, phải tái cơ cấu ngành kinh tế biển phát triển tự phát và khập khiễng hiện nay thành các ngành kinh tế mũi nhọn; thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các ngành, các địa phương dưới sự quản lý tập trung của trung ương.

Ngư dân chuẩn bị ngư cụ cho đợt ra khơi mới.

Ngư dân chuẩn bị ngư cụ cho đợt ra khơi mới.

Phải nhất quán từ lập trường, quan điểm phát triển kinh tế biển vì lợi ích quốc gia để nhanh chóng hình thành các đầu mối kinh tế vùng mang tính đột phá lớn, phục vụ cho chiến lược quốc gia tổng thể về kinh tế biển. Để làm được điều này rất cần một tổng chỉ huy triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển, ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn như tuyển chọn, lai tạo giống nuôi thủy hải sản, mở rộng hợp tác quốc tế trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ các ngành kinh tế biển; thu hút các nguồn vốn ODA, nguồn vốn đầu tư trực tiếp của các nước vào lĩnh vực này với mục tiêu tăng thu nhập người lao động hành nghề trên biển và cả ven biển, trên đất liền.

Để khẳng định chủ quyền biển, Việt Nam phải hình thành các đội tàu lớn hiện đại, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lớn mạnh. Muốn vậy, Việt Nam cần phát triển ngành vận tải biển, ngành công nghiệp đóng tàu, hậu cần nghề cá, hình thành các đô thị ven biển và ngành du lịch biển (bờ, biển, đảo). Chấm dứt việc vơ vét, khai thác tài nguyên kiểu tận thu bất chấp thế hệ mai sau như khai thác cát, titan, phá rừng, cắt xẻ bờ biển để làm resort…

LÊ TIỀN TUYẾN-Phó Tổng biên tập Báo SGGP


Bài tiếp: Điểm yếu nhân lực, chất lượng tăng trưởng

Tin cùng chuyên mục