Sau các thành công của đội tuyển quốc gia và U.23, giá trị đương nhiên tăng rất nhanh, thế nhưng việc bỏ quá nhiều tiền để mua bản quyền từ các đối tác nước ngoài lại phô bày một bức tranh khá tương phản nếu nhìn lại các yếu tố thương mại của thể thao Việt Nam. Sau những khoản tiền khổng lồ được chi ra để mua bản quyền giải ngoại hạng Anh, Italy, World Cup, quần vợt thế giới… thì đến lúc này, một giải đấu vốn dĩ để quảng bá cho bóng đá Thái Lan cũng được mua cho bằng được để phát sóng ở Việt Nam.
Đây không phải là câu chuyện “có cầu thì phải có cung”, bởi trên thực tế, nguồn thu từ kinh doanh các bản quyền bóng đá tại Việt Nam chủ yếu dựa vào hoạt động bán sóng quảng cáo chứ không phải từ túi tiền của người hâm mộ thông qua trả phí mua kênh.
Trong khi đó, từ sau thương vụ bị đổ bể của AVG (mua quyền phát sóng mọi giải thể thao trong 20 năm) cách đây 8 năm, thì hiện nay, việc kinh doanh bản quyền thể thao Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ. Hầu như không còn ai nghĩ đến chuyện khai thác thương mại các giải đấu thể thao trong lĩnh vực hình ảnh. Điều này cũng đồng nghĩa là những môn thể thao có tính phổ biến cao không thể tiếp cận được với khán giả trong khi số người đến nơi xem trực tiếp vốn dĩ không nhiều. Ngay bóng đá, giải đấu số 1 quốc gia là V-League cũng ở trong tình trạng “vừa bán vừa cho” các đài truyền hình nhằm phục vụ nhà tài trợ. Thật khó tin khi chỉ 2 trận đấu của đội tuyển đã phải tốn đến 7 tỷ đồng, trong khi gần 200 trận đấu với những tuyển thủ quốc gia ra sân thi đấu hàng tuần lại không đem lại đồng nào cho các đội bóng (?!).
Ở các môn thể thao khác, không quá bất ngờ khi đa số những giải đấu nhận được sự tài trợ của các doanh nghiệp một cách ổn định đều do các đài truyền hình tổ chức. Ví dụ như các giải xe đạp HTV, Truyền hình Vĩnh Long hay Cúp bóng chuyền nữ quốc tế VTV9 Bình Điền… Như vậy, đã không thể kinh doanh được bản quyền, mà nếu không được truyền hình thì không thể có tiền tài trợ để tổ chức giải.
Người dân có hâm mộ thể thao không? Chắc chắn là có. Cứ lấy chi phí tăng theo cấp số nhân của bản quyền giải ngoại hạng Anh thì biết. Hoặc như số lượng khán giả đến sân bình quân của V-League cao hơn giải ngoại hạng Thái Lan. Thế nhưng tại sao chúng ta có người xem, cũng có thể hiểu là “người mua hàng”, nhưng thể thao Việt Nam lại không thể tạo ra thị trường kinh doanh đúng nghĩa mặc dù số lượng doanh nghiệp đổ tiền vào tài trợ thể thao không hề ít?
Hỏi cũng là đã trả lời. Việc cung cấp quá nhiều chương trình thể thao hoàn toàn miễn phí, hoặc với giá rất thấp đã tạo ra một lượng lớn những người xem thể thao có thói quen không mất tiền. Chính số lượng người hâm mộ “ảo” này đã làm cho chi phí bản quyền do các đối tác nước ngoài cung cấp tăng vọt lên và không có dấu hiệu dừng lại. Vì phải bỏ nhiều chi phí cho các bản quyền quốc tế nên các đài truyền hình cũng không còn “sức lực” để theo đuổi việc sản xuất hay phát sóng thể thao trong nước. Bản thân người hâm mộ thể thao, khi đã quá “no nê” với các trận đấu quốc tế thì cũng khó mà mất thời gian để quan tâm thêm những môn thể thao trong nước. Về lâu về dài, mục tiêu phổ cập và quảng bá hoạt động thể dục, tập luyện thể thao cho người dân thông qua các giải thi đấu, hình ảnh trên truyền thông… cũng không còn tồn tại.
Tất nhiên cũng khó mà trách các đài truyền hình chuyên về thương mại thuần túy, trách nhiệm lớn nhất vẫn nằm ở các nhà quản lý thể thao và cao nhất là Bộ VH-TT-DL. Muốn kinh doanh thì phải có chiến lược tạo được lượng khán giả ổn định, người dân quan tâm nhiều hơn đến thể thao trong nước, có những nhà đầu tư chuyên nghiệp vào hoạt động thương mại thuần túy thể thao. Muốn như vậy thì phải làm sao cho các liên đoàn, hiệp hội nghề nghiệp của từng môn phát triển. Mặt khác, ở tầm vĩ mô, trong quyền hạn và chức năng của mình, bộ quản lý cũng phải có những thỏa thuận hay can thiệp vào các hoạt động kinh doanh bản quyền thể thao nước ngoài để tạo ra khoảng trống nhất định cho kinh doanh nội địa.