Tăng trưởng xuất khẩu
Theo nhận xét, đánh giá của Hội VLXD Việt Nam, nếu như trước đây, nhiều sản phẩm VLXD chủ lực của Việt Nam như xi măng, kính xây dựng, gạch ốp lát… chủ yếu phải nhập khẩu, thì những năm gần đây, ngành VLXD đã đạt được những thành tựu quan trọng khi chủng loại, chất lượng VLXD ngày càng được mở rộng, nâng cao và đáp ứng được nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Một số doanh nghiệp sản xuất VLXD có trình độ công nghệ, thiết bị và quản lý tương đối tiên tiến, đã có một số thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm VLXD có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế như Tổng công ty Viglacera, Công ty cổ phần Gạch Khang Minh, Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường…
Ước tính đến nay, tổng công suất thiết kế các dây chuyền sản xuất VLXD không nung đã đạt khoảng 7 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC)/năm, sản xuất đạt 6,5 tỷ viên. Tổng công suất của các sản phẩm ốp lát, ceramit đạt hơn 600 triệu m2/năm, bằng sản lượng của Tây Ban Nha, đứng nhì thế giới, xuất khẩu khoảng 20%. Tương tự, mặt hàng kính có tổng công suất gần 200 triệu m2; trong đó có các góc kính chủng loại mới như kính Louis, Solar Control sản xuất tại Việt Nam rất được thị trường châu Âu ưa chuộng. Việt Nam cũng vừa khởi công nhà máy sản xuất kính nổi siêu trắng, công suất 600 tấn/ngày; giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 2.423 tỷ đồng để chế tạo pin Mặt trời và một số thiết bị khác tại TP Vũng Tàu. Điều đó cho thấy kính là mặt hàng tiềm năng đang được đầu tư, khai thác đúng mức. Đối với xi măng, hiện xuất khẩu cũng rất tốt, khoảng 20 triệu tấn trên tổng sản lượng 85 triệu tấn, tăng hơn 20%, vượt kỳ vọng của ngành. Hay các mặt hàng sắt thép, tôn mạ màu xuất khẩu cũng tăng trưởng ngoạn mục so với cùng kỳ. Đáng chú ý, gần đây lĩnh vực sắt thép đang chịu nhiều tác động lớn từ chính sách phòng vệ thương mại của nhiều thị trường nhập khẩu chính, nhưng kim ngạch xuất khẩu trong những tháng qua vẫn mang về lượng ngoại tệ hơn 2 tỷ USD, tăng 27% về lượng và tăng 43% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Dự báo đến hết năm nay, các sản phẩm của ngành VLXD vẫn xuất khẩu tốt.
Phát triển sản phẩm mũi nhọn
Mặc dù ngành VLXD đã có những bước bứt phá lớn, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia vẫn còn nhiều tồn tại; do đó, cần có sự đánh giá lại thực trạng để tìm giải pháp phát triển bền vững. Cụ thể, thời gian qua việc đầu tư trong ngành VLXD không thực hiện theo quy hoạch - chủ yếu tự phát, phong trào - dẫn đến lúc được lúc mất, khủng hoảng thừa. Hay tình trạng khai thác VLXD trái phép diễn ra nhiều nơi hoặc khai thác có phép nhưng không đảm bảo về môi trường. Một số hạn chế, thách thức khác nữa của ngành như một số quy định quản lý đã không còn phù hợp với tình hình thực tế; chất lượng quy hoạch chưa cao; việc kiểm soát sản xuất VLXD theo quy hoạch và kế hoạch chưa chặt chẽ; trình độ công nghệ, thiết bị chung của toàn ngành chuyển biến chậm; hiệu quả sử dụng tài nguyên của một số sản phẩm chưa cao; việc triển khai một số vật liệu mới, vật liệu thay thế các VLXD truyền thống như cát, gạch nung, vật liệu xây dựng sử dụng phụ phẩm của các ngành công nghiệp khác, VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường… còn có những vướng mắc.
Thực trạng hạn chế trên cũng đã được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ trong hội nghị về ngành VLXD mới đây. Cụ thể, Phó Thủ tướng đánh giá: “Công tác dự báo, thăm dò khai thác nguyên liệu sản xuất VLXD còn nhiều hạn chế, thiếu chính xác, thiếu thông tin để hoạch định chính sách phát triển VLXD trong tương lai; chất lượng một số quy hoạch phát triển VLXD còn thấp, thường phải điều chỉnh liên tục, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư; đầu tư phát triển VLXD tuy đạt được những kết quả khả quan, song còn thiếu nhiều vật liệu mới, vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, giá rẻ và chất lượng cao; thiếu nhiều loại VLXD cao cấp; đầu tư còn có biểu hiện tự phát, phong trào và phát triển không bền vững; việc đầu tư VLXD không nung chưa đạt mục tiêu đề ra; nghiên cứu xử lý tro xỉ làm VLXD còn chậm; đầu tư phát triển VLXD gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường còn những hạn chế…”
Để khắc phục tình trạng hiện nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu trong thời gian tới, các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương, doanh nghiệp cần phối hợp tốt hơn nữa để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về VLXD. Đầu tư sản xuất các loại VLXD thân thiện với môi trường, lựa chọn tìm vật liệu thay thế vật liệu truyền thống. VLXD phải phát triển đáp ứng được nhu cầu cho ngành xây dựng trong nước, hướng tới xuất khẩu ngày càng hiệu quả hơn. Đồng thời, từng bước đổi mới công nghệ sản xuất, tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh sử dụng vật liệu không nung thay thế vật liệu nung. Nhanh chóng nghiên cứu và sử dụng chất thải của các nhà máy để sản xuất VLXD. Rà soát các quy hoạch VLXD để cập nhật, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp; xây dựng kế hoạch phát triển đối với các VLXD chủ yếu; kiểm soát quá trình phát triển VLXD đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững; nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển VLXD Việt Nam, tập trung vào một số sản phẩm mũi nhọn. Các địa phương kiểm soát quá trình đầu tư phát triển VLXD đảm bảo tính bền vững, đặc biệt là kiểm soát việc sản xuất gạch đất sét nung và các cơ sở sản xuất VLXD gây ô nhiễm môi trường; tính toán nhu cầu cát xây dựng, vật liệu san lấp để có kế hoạch đáp ứng, chú ý sử dụng vật liệu thay thế cát xây dựng, cát san nền và thực hiện nghiêm quy định báo cáo hoạt động khoáng sản, quản lý nhà nước về khoáng sản.