Phát triển thêm 450.000ha trái cây và thủy sản ở ĐBSCL đến năm 2030

Bộ NN-PTNT đã định hướng chuyển dịch mô hình tăng trưởng nông nghiệp ở ĐBSCL, trong đó xác định thủy sản và trái cây đóng vai trò quan trọng để phát triển, tăng thu nhập cho nông dân. Do đó, tới đây sẽ giảm diện tích trồng lúa, tăng mạnh diện tích trái cây và thủy sản khoảng 450.000ha. 

Ngày 5-8, Bộ NN-PTNT cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2020, gạo là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu ấn tượng nhất, với kim ngạch đạt khoảng 1,9 tỷ USD, tăng 10,9% so cùng kỳ. Đây là kết quả khả quan trong tình hình kinh tế thế giới gặp khó khăn bởi nhiều nguyên nhân.

Mặt được là vậy, tuy nhiên về lâu dài trong quy hoạch phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì sẽ giảm sản xuất lúa gạo.

Theo đó, đến năm 2030, diện tích canh tác lúa toàn vùng ĐBSCL còn 1,6 triệu ha (giảm khoảng 300.000ha, để chuyển sang trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản). Diện tích trồng lúa khi đó mỗi năm còn khoảng 3,1 triệu ha (giảm 1 triệu ha do giảm diện tích canh tác và giảm tăng vụ); sản lượng lúa dự kiến giảm còn 17,3 triệu tấn/năm (giảm khoảng 6,3 triệu tấn).

Phát triển thêm 450.000ha trái cây và thủy sản ở ĐBSCL đến năm 2030 ảnh 1 ĐBSCL sẽ đẩy mạnh phát triển cây ăn trái trong thời gian tới 

Việc giảm đất lúa nhằm đẩy mạnh phát triển cây ăn trái và nuôi thủy sản để phục vụ xuất khẩu, tăng thu nhập cho nông dân. Dự kiến đến năm 2030, sẽ mở rộng diện tích cây ăn trái tại ĐBSCL lên khoảng 650.000ha (tăng thêm 150.000ha), ở các vùng chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả do bị xâm nhập mặn, khu vực có địa hình cao...

Ngành nông nghiệp sẽ nghiên cứu và ứng dụng các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao và chống chịu tốt với biến đổi khí hậu; hỗ trợ nông dân các biện pháp canh tác bền vững, giảm chi phí; tăng cường liên kết giữa nông dân và các hợp tác xã với doanh nghiệp tiêu thụ.

Song song đó, đầu tư nâng cao công nghệ chế biến, bảo quản; hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến trái cây công nghệ cao gắn với vùng chuyên canh và các trung tâm dịch vụ hậu cần để kết nối ra thị trường quốc tế.

Ngoài ra, tiến hành xây dựng vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đáp ứng các yêu cầu mới của các thị trường nhập khẩu; thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường mới để tăng cường xuất khẩu…

Phát triển thêm 450.000ha trái cây và thủy sản ở ĐBSCL đến năm 2030 ảnh 2 Tăng cường nuôi thủy sản ở ĐBSCL từ nay đến năm 2030 nhằm phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, tăng thu nhập cho nông dân

Đối với nuôi trồng thủy sản, đến năm 2030 dự kiến nâng tổng diện tích ở ĐBSCL đạt hơn 1,3 triệu ha, tăng thêm khoảng 300.000ha (bao gồm diện tích đất lúa chuyển đổi và tăng diện tích luân canh với lúa, tôm rừng sinh thái…).

Phát triển ngành tôm và cá tra trở thành ngành sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu…

Tin cùng chuyên mục