Trung tuần tháng 12, Hội nghị hợp tác phát triển giữa các tỉnh Ubon Rachathani, Sisaket (Thái Lan), Champasak, Sê Kông, Attapeu (Lào), Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định (Việt Nam) đã diễn ra tại TP Kon Tum. Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại vùng Bắc Tây Nguyên trong việc xúc tiến đầu tư, giao lưu và hợp tác phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội giữa các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào và duyên hải miền Trung - Tây Nguyên của Việt Nam.
Hành lang mới
Tiểu vùng sông Mekong luôn thu hút sự chú ý lớn của giới hoạch định và nghiên cứu chính sách, từ vấn đề nguồn nước, môi trường, biến đổi khí hậu, nguồn lợi thủy sản, sự đa dạng sinh học đến vị trí chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược của nhiều nước. Một trong những chiến lược quan trọng của tiểu vùng Mekong là việc phát triển hành lang kinh tế, từ đó sẽ gia tăng các lợi ích, cải thiện kết nối giao thông tới các khu vực còn hẻo lánh và mở ra cơ hội đầu tư, tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên trong khu vực.
Với sự tương đồng và gần gũi về mặt địa lý, văn hóa giữa các vùng miền, sự hợp tác giữa các tỉnh Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi (Việt Nam), Ubon Ratchathani, Sisaket (Thái Lan), Champasak, Sê Kông, Attapeu (Lào) đã được khởi phát. Điểm khởi đầu của quá trình hợp tác xuất phát từ tỉnh Ubon Ratchathani qua một số tỉnh, đến các cảng biển của Bình Định và Quảng Ngãi. Có thể nói đây là hành lang có khoảng cách chỉ bằng 1/2 chiều dài tuyến thương mại của hành lang kinh tế Đông Tây.
Tại Hội nghị hợp tác kinh tế vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Thái Lan, các lĩnh vực có khả năng hợp tác đã được các bên xác lập: Phát triển khu hợp tác kinh tế biên giới Phu Cưa (Attapeu, Lào) và cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum, Việt Nam) trở thành trung tâm giao thương biên giới. Ba nước sẽ hợp tác trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê) và xây dựng các cơ sở chế biến tại các tỉnh; bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng; cung ứng máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp; hợp tác trong nghiên cứu, khảo sát khả năng để mở các tuyến du lịch và trao đổi hành khách.
Bên cạnh đó, các bên cũng hợp tác đầu tư xây dựng các dự án năng lượng, mạng lưới truyền tải điện; phối hợp khai thác dự án thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản; hoàn chỉnh các tuyến đường trục kết nối nhiều địa phương và ra các cảng biển, các trung tâm kinh tế lớn. Các tỉnh thông qua cơ sở đào tạo của tỉnh mình nghiên cứu các hình thức hợp tác và trao đổi đào tạo cán bộ, lưu học sinh; đào tạo ngôn ngữ (Thái, Lào, Việt); nghiên cứu thành lập trung tâm thông tin về thương mại, du lịch...
Nỗ lực gắn kết
Các chuyên gia kinh tế nhận định, 8 tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào và duyên hải miền Trung - Tây Nguyên Việt Nam đều có những thế mạnh nhất định. Các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi có tiềm lực kinh tế biển hùng mạnh, với các cảng biển Quy Nhơn, Dung Quất. Còn Kon Tum - vùng cực Bắc Tây Nguyên, với ưu điểm nằm ở ngã ba biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, là nơi hội tụ và giao thương của các tuyến quốc lộ 40, 14, 24. Đối với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan, những địa phương này có nhiều tiềm năng về trồng cây công - nông nghiệp, khoáng sản và du lịch. Nếu biết đánh thức những tiềm năng ấy, trục hợp tác này hứa hẹn sẽ đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thành viên và của cả khu vực trong tương lai gần.
Cơ chế kết nối 8 tỉnh thuộc 3 nước được thống nhất theo nguyên tắc: Gắn bó với nhau về vị trí địa lý, cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau vì các mục tiêu phát triển với quyết tâm tăng trưởng kinh tế bền vững và tiến bộ xã hội, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. |
Về phương pháp hợp tác, ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng phải kết hợp giữa ý chí quyết tâm của chính quyền 8 tỉnh với sự chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện toàn diện của chính phủ 3 nước và sự tham gia tích cực, hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp các tỉnh. Trong đó, chính quyền các tỉnh là nhân tố chủ động tổ chức các hoạt động hợp tác, doanh nghiệp là nhân tố quyết định sự thành công của chương trình hợp tác.
Ông Bouasone Vongsongkhone, Phó Tỉnh trưởng Champasak (Lào), đánh giá: “Việc các bên lần đầu tiên ngồi lại với nhau là việc làm có ý nghĩa, nhằm tạo cơ hội để tăng cường hợp tác, trao đổi những kinh nghiệm quý giá giữa các tỉnh nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây. Quá trình này nhằm góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân trong khu vực”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẳng định, trong xu thế hợp tác quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, không gian kinh tế ngày càng mở rộng, 8 tỉnh của 3 quốc gia cùng có nhu cầu hợp tác phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục theo trục Đông - Tây, núi - biển. Diễn đàn trên mới chỉ là bước khởi đầu triển khai ý tưởng, các tỉnh nêu lên những đề nghị của mình về cơ hội và khả năng hợp tác và đề xuất cơ chế phối hợp. Tỉnh Kon Tum, với tư cách chủ nhà, tiếp tục hoàn chỉnh các văn kiện, sau đó gửi cho các tỉnh cùng thống nhất để báo cáo chính phủ nước mình cho ý kiến, sau đó tổ chức ký kết vào Hội nghị lần thứ 2 được tổ chức tại Thái Lan vào năm 2012
ĐỨC TRUNG