Phát triển xe buýt sử dụng khí CNG - Nhà nước cần hỗ trợ lãi suất đầu tư

Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang lấy ý kiến của các đơn vị kinh doanh xe buýt về dự án đầu tư 300 xe buýt sử dụng khí CNG thay thế cho hàng loạt xe buýt sử dụng xăng dầu đã cũ kỹ. TPHCM mong muốn vận tải hành khách công cộng sẽ phát triển dần theo hướng thân thiện với môi trường bằng cách chuyển đổi sang các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch nhưng hoạt động vận tải công cộng thành phố đa phần lại do các doanh nghiệp tư nhân và HTX đảm trách, doanh nghiệp nhà nước chỉ có một phần. Do vậy, sự hưởng ứng của các doanh nghiệp là yếu tố quyết định đến sự thành công của dự án này.

Trao đổi với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, nhiều đơn vị kinh doanh xe buýt tỏ ra rất hào hứng với đề án đầu tư 300 xe buýt sử dụng khí CNG của thành phố. Việc chuyển đổi này, ở góc độ kinh doanh cũng rất có lợi cho hoạt động của các đơn vị vận tải. Xe buýt sử dụng khí CNG chạy êm, không mùi xăng dầu, nên rất được hành khách ưa chuộng. Không phải ngẫu nhiên, khi TPHCM chưa có đề án đầu tư 300 xe buýt sử dụng khí CNG, nhiều đơn vị vận tải đã chủ động mua hàng chục xe buýt sử dụng khí CNG để đưa vào hoạt động. Công ty Xe khách Sài Gòn đầu tư hơn 20 xe. Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM mua gần 10 chiếc, cho dù giá thành đầu tư xe sử dụng khí CNG cao gần gấp đôi xe buýt sử dụng xăng, dầu.

Tuy nhiên, như chia sẻ của ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM, nguồn lực của các doanh nghiệp, đặc biệt là các HTX có hạn. Hơn nữa, đầu tư xe sử dụng xăng, dầu không những rẻ hơn mà loại xe này còn có thể được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Trong khi xe sử dụng khí CNG cơ bản chỉ chạy trong nội thành vì được sản xuất đúng “chuẩn” xe buýt với sàn xe thấp, thuận tiện cho hành khách lên, xuống liên tục. Các trạm cung cấp khí CNG được xây dựng tập trung trong thành phố. Xe sử dụng xăng, dầu… đa năng hơn. Ngoài thời gian hoạt động “xe buýt”, chúng có thể được cho thuê làm xe du lịch, chạy liên tỉnh với hệ thống cung cấp nhiên liệu xăng, dầu rộng khắp cả nước. Do đó, nếu không được Nhà nước khuyến khích, động viên và hỗ trợ bằng những cơ chế chính sách tài chính phù hợp, HTX rất khó khuyến khích các xã viên đầu tư xe buýt sử dụng khí CNG.

Việc khuyến khích này phải được “luật hóa” bằng các quy định cụ thể bởi hiện nay đa phần các xã viên đều phải vay thêm tiền để đầu tư xe. Thời gian vay thường kéo dài nhiều năm. Nếu các quy định về hỗ trợ đầu tư không được chuẩn hóa bằng luật, ngay cả các ngân hàng cũng ngại cho xã viên vay tiền và nhà sản xuất xe buýt sử dụng khí CNG cũng cân nhắc khi cho xã viên mua xe trả chậm.

Cách nay chưa lâu, một thống kê của Bộ Tài nguyên Môi trường cho thấy, nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn nhất trong các thành phố lớn là khói thải của các phương tiện giao thông. Hơn 2.000 xe buýt TPHCM được đầu tư từ những năm 2000, cách nay gần 15 năm, hoàn toàn không theo tiêu chuẩn nào về khí thải. Các loại ô tô khác khi hoạt động đã phải tuân theo tiêu chuẩn khí thải Euro 2. Riêng xe buýt thì chưa và chúng đã, đang là nguồn gây ô nhiễm lớn cho thành phố.… Chính vì vậy, việc triển khai thành công dự án đầu tư 300 xe buýt sử dụng khí CNG không những góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của xe buýt mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục