Ở cơ quan, đơn vị ai mà chẳng nể và sợ thủ trưởng. Vậy ai dám thẳng thắn phê bình công khai thủ trưởng, nhất là phê bình trước tập thể? Quả thật, đây là vấn đề vô cùng khó khăn, tế nhị và nhạy cảm. Nhiều người cảm giác phê bình thủ trưởng chẳng khác nào phạm thượng, là “không phải đạo”.
Lâu nay, việc phê bình chỉ được tiến hành khi có những đợt sinh hoạt Đảng, trong tổng kết cuối năm, nhiệm kỳ công tác, cùng lắm là khi có những vụ việc nổi cộm bị dư luận lên tiếng, bị phát hiện, tố cáo. Còn khi cơ quan, đơn vị với vẻ bề ngoài “sóng yên, biển lặng” thì ít có sự phê bình, hoặc có phê bình chỉ hình thức nên không phát hiện ra sai phạm. Hiện nay việc phê bình thủ trưởng vẫn còn hình thức theo kiểu “vuốt ve”, “mưa phùn, gió nhẹ”, “dĩ hòa vi quý”. Điều này lý giải tại sao rất nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng xảy ra nhưng ít được phát hiện trong quá trình tự phê bình và phê bình.
Để việc phê bình thủ trưởng ở cơ quan, đơn vị đạt hiệu quả, thiết thực, cấp trên của người đứng đầu đó cần chủ động kiểm tra một cách thường xuyên cũng như đột xuất cán bộ, đảng viên thuộc diện mình quản lý. Nguyên tắc ở đây là phê bình lãnh đạo phải thường xuyên, phải chú trọng phòng ngừa và phát hiện dấu hiệu vi phạm, khuyết điểm ngay từ khi còn nhỏ lẻ, chưa trầm trọng. Trong quá trình phê bình, cần dựa vào lực lượng trong hệ thống chính trị ở cơ quan, đơn vị như cấp ủy Đảng, lãnh đạo chuyên môn, tổ chức công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... Phải có nghệ thuật dân vận, dành thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, những thắc mắc, khiếu nại của quần chúng, tìm trong đó những hạt nhân của lẽ phải và sự đúng đắn. Nhiều khi chỉ một ý kiến của một cá nhân dám nói thẳng, nói thật mà có thể phát hiện ra những sai phạm nghiêm trọng của thủ trưởng. Phải rất chú trọng tìm hiểu ý kiến của người dân nơi thủ trưởng cư trú cũng như những mối quan hệ của họ, nhất là số cán bộ, đảng viên hộ khẩu một nơi, cư trú một nẻo hoặc có nhiều nhà, ở mỗi chỗ một thời gian. Có tình trạng một người lãnh đạo nhưng quản lý, phụ trách vài cơ quan, đơn vị.
Nếu không có sự phối hợp, quản lý chặt chẽ thì sẽ chỉ kiểm tra được cán bộ trên giấy, không thấy được thiếu sót, khuyết điểm mà phê bình, góp ý cho chính xác, hiệu quả. Do đó cần dựa vào nhiều lực lượng, qua nhiều kênh thông tin để đấu tranh, phê bình, góp ý hiệu quả với người đứng đầu ở tất cả các phạm vi, mức độ.
LÊ HOÀI DƯƠNG