Phép thử quan hệ Nga-NATO

Tổng thống Nga Medvedev đang có chuyến công du ở Pháp với hành trang được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm là liệu ông có mang đến Pháp thỏa thuận mua 4 tàu chiến hiện đại nhất của nước này không. Thỏa thuận này đang làm đau đầu các nước NATO vì đây là lần đầu tiên một thành viên NATO bán trang thiết bị quân sự hiện đại cho Nga.

Tổng thống Nga Medvedev đang có chuyến công du ở Pháp với hành trang được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm là liệu ông có mang đến Pháp thỏa thuận mua 4 tàu chiến hiện đại nhất của nước này không. Thỏa thuận này đang làm đau đầu các nước NATO vì đây là lần đầu tiên một thành viên NATO bán trang thiết bị quân sự hiện đại cho Nga.

Tàu chiến Mistral có khả năng triển khai các đơn vị hải quân cực nhanh; vùng phủ sóng radar rộng; có thể làm sân bay lẫn bến cảng, trị giá 400 - 600 triệu EUR; có thể chở 16 trực thăng, 4 sà lan, hơn 70 xe các loại trong đó có 13 xe tăng và 450 quân. Trên tàu có một bệnh viện quân y dã chiến với 70 giường. Điều quan trọng là 2 trong 4 chiếc tàu trên sẽ được đóng tại Nga.

Nếu hợp đồng được ký thì đây là một thử thách lớn của NATO vì chưa bao giờ có tiền lệ một thành viên NATO bán vũ khí hiện đại cho Nga. Hãng tin Nga RIA-Novosti cho hay phía NATO lo ngại Nga muốn tiếp cận công nghệ phục vụ hải quân hiện đại của các thành viên trong khối để sử dụng cho những cuộc đối đầu với chính NATO và liên minh của họ nếu có trong tương lai.

Theo đài phát thanh NPR của Mỹ, các thành viên NATO, đặc biệt là Mỹ đang cố tìm cách ngăn chặn việc mua bán không có tiền lệ này. Báo chí Mỹ và các nước thành viên NATO cố tình phóng đại mối đe dọa nếu Nga có được Mistral thì nước này có thể triển khai lực lượng chiếm đóng Gruzia trong vòng 40 phút. Lời cảnh báo của báo chí Mỹ làm cho các nước Gruzia, Latvia, Litva và Estonia càng thêm lo ngại. Còn phía Nga thì cho rằng thật là vô nghĩa khi Nga dùng một loại tàu chạy trên đại dương để chống lại các nước chỉ có chung đường biên giới trên bộ với Nga.

Trên thực tế việc mua tàu chiến này là một phép thử Nga muốn dùng để đo lòng tin của NATO. Trong kế hoạch quốc phòng đến năm 2015 được thông qua hồi cuối năm ngoái hoàn toàn không có chi tiết này. Nhưng chỉ sau chuyến thăm Saint Petersburg của tàu Mistral của Pháp, Chính phủ Nga đã bắt đầu thảo luận về hợp đồng này.

Từ trước đến nay mỗi khi Nga phản đối việc NATO mở rộng áp sát biên giới phía Tây của mình thì NATO khẳng định việc mở rộng không nhằm vào Nga và luôn xem Nga là đối tác. Lần này, bằng hợp đồng mua tàu chiến của Pháp, Nga muốn biết những gì NATO nói có thành thật không hay chỉ là những lời tuyên bố suông.

Nga cho rằng NATO không thể một mặt tuyên bố Nga là đối tác, mặt khác thì đối xử với họ như đối thủ thời chiến tranh lạnh. Quan điểm của Nga là cuộc chiến tranh ấy đã qua, nếu NATO khẳng định Nga là đối tác thì việc mua tàu chiến này là việc rất bình thường.

Chính Tổng thống Pháp Nikolai Sarkozy khi bảo vệ quan điểm của Pháp cũng nói với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates rằng NATO cần phải xem Nga là một đối tác thực sự và “chúng ta không thể mong muốn Nga tin tưởng chúng ta khi chúng ta không đối xử với nước này như thế”.

Thực sự NATO đang rơi vào tình huống khó xử. Nếu ngăn cản hợp đồng này có nghĩa là NATO phơi bày hết những gì họ nghĩ về Nga. Nếu bằng lòng cho Pháp bán tàu chiến cho người mà họ gọi là đối tác để chứng minh sự thành thật của mình thì cũng chưa yên lòng. 

VIỆT KHOA

Tin cùng chuyên mục