(SGGPO).- Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thẩm phán và hội thẩm tòa án nhân dân đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn từ các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp hôm nay, 21-7, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba cho rằng việc trình Pháp lệnh có phần cập rập, nên một số nội dung cốt lõi trong dự thảo chưa nhận được sự đồng thuận cao của UB Tư pháp và nhiều thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo UB Tư pháp không nên quy định 4 ngạch thẩm phán như trong dự thảo Pháp lệnh, vì không thống nhất với các quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân. UB Tư pháp đề xuất nên quy định 3 ngạch thẩm phán: thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận không đồng tình với những phương án (như trong dự thảo và đề xuất của UB Tư pháp). Ông nhận xét: “Sửa như thế này chưa giải quyết vấn đề gì, vì không phù hợp với Luật Tổ chức Tòa án”.
Chia sẻ quan điểm với Chủ nhiệm UB Pháp luật, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, vội vã “đẻ” ra ngạch thẩm phán sơ cấp, trung cấp chỉ để cải cách lương bổng là không hợp lý trong khi Luật Tổ chức tòa án đã quy định rõ tòa cấp nào có thẩm phán cấp đó.
Tuy nhiên, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, vấn đề không chỉ lương bổng mà còn liên quan đến công tác luân chuyển, điều động cán bộ, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng xét xử ở tòa cấp huyện. Vì Tòa án cấp huyện nhiệm vụ tăng nhưng chính sách vẫn thế, ra diễn đàn Quốc hội nói mãi từ mấy đời chánh án nhưng chưa gỡ được.
Trước nhiều ý kiến khác nhau Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu giao các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự án để báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tới.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về dự án Luật Tố tụng hành chính.
ANH PHƯƠNG