
Bộ đồng phục áo trắng - quần tây xanh dương đậm cho nam sinh, áo trắng - váy xanh cho nữ sinh tiểu học, trung học cơ sở (TH-THCS) và áo dài trắng - quần trắng cho nữ sinh trung học phổ thông (THPT) lâu nay đã trở thành hình ảnh thân thương bởi sự trang nhã mà bình dị, tránh gây tâm lý phân biệt giàu nghèo trong môi trường học đường. Thế nhưng giờ đây đồng phục học sinh của nhiều trường tại TPHCM đã thay đổi, được thiết kế riêng, ngầm buộc phải mua đồng phục của trường cung cấp khiến không ít phụ huynh phiền lòng.

Bộ đồng phục áo trắng - quần tây xanh dương đậm cho nam sinh và áo trắng - váy xanh cho nữ sinh đã trở thành hình ảnh thân thương lâu nay bởi sự trang nhã mà bình dị.
Xấu cả về hình thức và chất lượng
Do nhà trường “biến tấu” đồng phục học sinh theo mẫu thiết kế riêng nên phụ huynh buộc lòng phải mua cho đúng kiểu. Thế nhưng có trường trước khi đặt may đồng phục không nghiên cứu chất liệu vải phù hợp. Gặp trường hợp chất liệu vải kém, gây nóng bức, các học sinh rất khốn khổ.
Chị Hoàng Thị Liên có con học Trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh) than: “Mỗi khi tan học, vì vải áo gây nóng bức quá nên lưng áo học sinh nào cũng ướt đẫm mồ hôi”. Chị Đặng Thị Nhung có con học Trường TH Trần Khánh Dư (quận 1) bức xúc: “Năm ngoái, mới vào học lớp 1 vài ngày con gái tôi bị mẩn ngứa, nguyên nhân do vải quần áo đồng phục của trường bán quá xấu, thô ráp gây nóng bức. Do vậy năm nay tôi phải mua vải đặt may đồng phục cho con theo mẫu của trường”. Chị Vũ Thị Mị có con gái đang học lớp 3 Trường TH Hoàng Văn Thụ (quận Gò Vấp) cũng phải làm như vậy vì chất lượng vải đồng phục của trường quá kém.
Đặc biệt, đồng phục thể dục của nhiều trường bị phụ huynh than phiền vì chất lượng kém. Đây là trang phục để vận động nên đòi hỏi loại vải thun vừa dày vừa mát, đường chỉ phải chắc, thế nhưng nhiều trường thường bán loại đồng phục thể dục vải thun mỏng, đường chỉ lại thưa. Một học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) kể: “Năm học trước, đồng phục thể dục của trường em rất mỏng, khi mặc vải thun dính vào người rất khó chịu, chỉ cần nô đùa, chạy nhảy vài bữa là quần rách đáy hoặc bung bên đùi. Do vậy nhiều bạn lại phải mua quần thể dục bán ở siêu thị để mặc, còn quần của trường bán phải… bỏ đi”.
Không chỉ than phiền vì chất liệu vải kém, nhiều phụ huynh còn không hài lòng với màu đồng phục do nhà trường chọn. Chị Dương Thanh Hà ở quận 3 nhận xét: “Nhiều trường chọn tông màu đồng phục học sinh theo tiêu chí cố ý tạo sự khác biệt, thí dụ áo màu xanh da trời hoặc màu vàng đậm, quần tây hay váy màu xanh đen. Đồng phục của học sinh mà trông như đồng phục công nhân, làm mất đi vẻ nhí nhảnh, tinh khôi của tuổi học trò”. Tình trạng đồng phục do nhà trường bán không có nhiều kích cỡ thích hợp cũng gây phiền toái cho học sinh và phụ huynh.
Điều nghịch lý là đồng phục nhà trường chất liệu không bằng những bộ đồ phụ huynh tự mua bên ngoài nhưng giá lại cao hơn. Như áo nam sinh do Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh) bán giá 175.000 đồng/áo, trong khi cùng chất liệu như vậy nếu mua ở các cửa hàng bên ngoài, giá chỉ 110.000 đồng/áo.
Cặp cũng phải theo mẫu quy định
Những năm trước, Trường THPT Võ Thị Sáu chỉ yêu cầu học sinh không được mang ba lô mà dùng loại cặp có thành cứng và tay xách để sách vở không bị nhàu. Nhưng năm nay trường quy định thêm cặp phải theo kích thước đúng chuẩn 40 x 30cm khiến nhiều học sinh bức xúc, bởi kích thước cặp như vậy quá nhỏ, không đủ đựng sách vở, đồ dùng học tập. Chưa kể, quy định như vậy buộc nhiều học sinh phải mua cặp mới dù cặp cũ vẫn dùng được. Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình) cũng quy định sử dụng ba lô của trường khiến nhiều phụ huynh và học sinh thắc mắc. Nhiều phụ huynh cho biết, ba lô này ngoài thị trường giá chỉ 170.000 đồng/cái nhưng nhà trường bán tới 210.000 đồng/cái.
Nhiều phụ huynh cho rằng không cần thiết phải buộc học sinh sử dụng cặp và đồ dùng học tập giống nhau, hãy để phụ huynh tự chọn sắm cho con mình, sẽ tiết kiệm được phần nào khi phụ huynh đang còn phải lo biết bao nhiêu khoản chi phí cho con vào năm học mới. Về đồng phục học sinh, nên trở về với mẫu đồng phục đơn giản lâu nay, như vậy đã đủ trang nhã, lịch sự. Có phụ huynh băn khoăn đặt câu hỏi: Phải chăng ban giám hiệu nhiều trường đang muốn “bắt chước” kiểu đồng phục học sinh xuất hiện trong các bộ phim Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc? Chưa kể, đằng sau việc quy định sử dụng kiểu đồng phục riêng, cặp riêng do nhà trường bán, liệu có ai đó được hưởng lợi riêng từ tiền hoa hồng của nhà cung cấp hay không?
Thu Hường