
Tuy chưa đặt dấu chấm hết, nhưng 20 tập vừa qua của “Vòng nguyệt quế” đã vừa đủ cho người xem cái cảm giác bội thực bởi quá nhiều hạt sạn trong những pha xử lý tình huống khá non nớt của tác giả…
Hình ảnh một số người trẻ được thể hiện trong phim khá là quen thuộc ở các quán cà phê hay các quán nhậu mà các văn nghệ sĩ thường lui tới. Ở đó, có vô khối những khuôn mặt còn non trẻ với căn bệnh vĩ cuồng, sống vật vờ trong khói thuốc và men rượu, luôn tuôn ra những lời mà những nhà văn đích thực không bao giờ dám nghĩ đến. Đó chính là hình ảnh mà ác thay, người bình thường và cả chính người trong cuộc vẫn ngộ nhận rằng, có như thế mới đúng là văn nghệ sĩ.
“Vòng nguyệt quế” có đề cập loại 8X này để phân biệt với Đông Bích và Thái Bạch, nhân vật chính của phim, nhưng thực sự người xem vẫn không thể phân biệt nổi kẻ “thiên tài” và những kẻ bất tài. Bởi cả hai nhân vật 8X được tác giả nâng niu này cũng có đủ các bệnh thời thượng đó.

Diễn viên Bích Huyền vai nhà văn Đông Bích trong phim “Vòng nguyệt quế”.
Cô Đông Bích có phòng riêng sang trọng, và được cha mẹ hầu hạ, nâng niu như trứng mỏng, nhưng cứ cương quyết thuê phòng ở xóm trọ rẻ tiền để được “yên tĩnh viết lách”(?). Cô đối xử với mẹ như với Osin, quát nạt và hỗn xược khi mẹ lo lắng và can thiệp khi cô yêu một người lớn tuổi hơn cả bà và nổi tiếng trăng hoa. Cô dễ dàng qua đêm với dịch giả Phan Long dù chỉ vài lần gặp mặt, cả hai tán tụng nhau đến nỗi để lộ cái lỗ hổng kiến thức sơ đẳng là coi Nguyễn Du cũng là dịch giả khi viết Truyện Kiều (!).
Suốt cả phim, người ta không biết cô thực sự yêu ai? Đang lúc cặp kè với Phan Long, mà vẫn ấm ức vì sao Quang không chịu tỏ tình với mình. Rồi khi bị Quang ruồng bỏ, cô chạy ngay sang Thái và mở lời yêu đến nỗi Thái phải kinh hoàng. Rồi cuối cùng cô lại khẳng định là chỉ yêu Quang.
Tâm lý tình cảm nhân vật cứ xoay chuyển và bị áp đặt như chong chóng ấy đã giúp người xem hiểu ra rằng, hai chữ Tình yêu trong phim chỉ là một thứ hàng hóa, và người ta có thể đem nó ra để nhử mồi, như cái cách của Đông Bích với Thái hay để nhường lại cho bạn như cái cách của Quang với Đông Bích. Quang bày trò “Lưu Bình - Dương Lễ”, nhưng còn “cao thượng” hơn cả Lưu Bình là “cho luôn” chứ không phải là chỉ giả vờ để cảm hóa bạn như Lưu Bình, để rồi “đau khổ lên đau khổ xuống” trong men rượu. Tin rằng tuy phim nói về 8X, nhưng với tình tiết này, chắc chắn cả 8X sẽ cười bò đến bất tỉnh vì nó quá sức xa lạ với con người ở thế kỷ XXI…
Gần 20 tập phim đề tài nhà văn trẻ, nhưng cái chất trẻ ở đây chỉ xoay quanh những chuyện tình, chuyện ghen tuông, tranh chấp nhau giữa Hạ Liên và Đông Bích.
Một nhà phê bình văn học có tiếng như Hạ Liên không việc gì phải đi tranh chấp với Đông Bích theo kiểu nhỏ nhen đến tội nghiệp như vậy. Bởi nhà phê bình thì không có lý gì đi ganh ghét một nhà văn, vì hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Cái cách tìm mọi thủ đoạn hạ bệ Đông Bích của Hạ Liên, lúc đầu được lý giải là vì ghen, vì cô yêu Phan Long. Nhưng khi Đông Bích bỏ Phan Long để chuyển qua yêu Quang, thì Hạ Liên cũng quày quả chạy theo yêu Quang và mồi chài cho được Quang.
Người xem có cảm giác như chuyện tình yêu của các nhân vật trong phim giống như con rối, tác giả cứ giật dây và nhân vật cứ thế mà chơi trò yêu, ghen, tình, hận. Cả vấn đề dịch sách của Phan Long cũng thế, chuyện một dịch giả lão thành đứng ra mời các người trẻ dịch từng chương cho mình và cuối cùng xem, chuốt lại để đứng tên là chuyện có thực ngoài đời và cũng không có gì gọi là “tội lỗi” đến mức bị lên án dữ dội như trong phim. Vấn đề là khi anh ta đứng tên, anh ta có giữ uy tín bằng cách rà soát lại để không có những lỗi dịch thuật lớn như kiểu “Mật mã Da Vinci” (ngoài đời) không? Trong phim, Phan Long đã làm phương cách ấy mà độc giả không phát hiện, nghĩa là anh ta vẫn giữ được văn phong và uy tín của mình. Vậy có gì để làm ầm ĩ lên như một tội phạm vậy?
Có thể tác giả đã dựa vào một số nguyên mẫu ngoài đời để chắp vá mà làm nên “Vòng nguyệt quế”. Có thể lối sống buông thả và hỗn xược với cha mẹ của nhân vật chính là có thật ngoài đời. Người ta tin là đúng và chắc còn hơn thế nữa. Nhưng vấn đề ở đây là không thể quăng bừa một mớ gọi là “sự thật” một cách hổ lốn như vậy lên phương tiện truyền thông đại chúng là truyền hình.
Phim truyền hình phải có chức năng giáo dục. Đó là nhiệm vụ tiên quyết. Anh có quyền phản ánh hiện thực, nhưng anh phải đứng cao hơn hiện thực để truyền đến khán giả giá trị chân thiện mỹ của cuộc sống. Cái xấu được thể hiện trong phim cốt để người ta xa lánh chứ không thể để người ta thương cảm. Nhìn cảnh Quang phấn khích đi gom góp bản thảo của Thái để cho in trong khi tác giả của nó đang phê thuốc, đã là một cú sốc với khán giả. Tác giả lại bồi thêm cú sốc thứ hai, là chính tập thơ được sản sinh từ heroin ấy mới đưa Thái lên đài danh vọng, được giải thưởng, được báo chí và giới phê bình hết lời khen ngợi. Trời ạ! Với chi tiết này thì quả là ma túy đúng là “liều thuốc thần hiệu và đáng được được tôn vinh lắm thay”(!?).
Vì sao phim truyền hình Hàn Quốc luôn tôn vinh hình ảnh những đứa con chí hiếu với cha mẹ, những người trẻ tràn đầy nhiệt huyết trong công việc, vươn lên vượt qua hết khó khăn trở ngại để thành công. Xã hội của họ tất nhiên còn biết bao những hình ảnh tiêu cực của giới trẻ, nhưng sự thực ấy họ biết rõ không phải là cái đích của phim truyền hình. Bao giờ chúng ta mới học được bài học ấy?
Ngô Ngọc Ngũ Long