(SGGPO). - Tuần qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường đại học-cao đẳng (ĐH-CĐ) 2014. Ngay sau đó, trong cuộc gặp mặt với báo chí vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, việc công bố thông tin về đổi mới thi ĐH-CĐ là “phát súng” đầu tiên trong trận đánh lớn là Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ 2014 trong đó nêu Bộ GD-ĐT tiếp tục thi ĐH “3 chung” trong 3 năm tới trong thời gian đợi các trường sẵn sàng cho việc “ra riêng”. Bộ GD-ĐT sẽ xác nhận đề án tuyển sinh riêng của từng trường ĐH.
Phóng viên Báo SGGP trao đổi với ông Lê Văn Học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề tự chủ tuyển sinh.
*Phóng viên: Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ 2014 đã được lấy ý kiến Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ông đánh giá về vấn đề tự chủ tuyển sinh ĐH như thế nào?
* Ông Lê Văn Học: Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ năm 1-1-2013 đã thể hiện rất rõ về yêu cầu tự chủ tuyển sinh. Cốt lõi của giáo dục đại học là thực hiện quyền tự chủ. Quan trọng nhất trong tự chủ ĐH là phải để trường tự định mức học phí, chi tiêu (hiện nay đều phải có khung), tuyển sinh. Vì thế, bây giờ phải thực hiện tự chủ một cách hoàn toàn, cả về tài chính, tuyển sinh.
Tôi cho rằng Bộ GD-ĐT khẳng định sau 2015 mới thực hiện tự chủ tuyển sinh ĐH hoàn toàn cũng là điều mà nhiều trường không hài lòng. Bộ yêu cầu các trường phải trình đề án tuyển sinh riêng để bộ xác nhận trước khi triển khai. Điều này có nên không? Trước năm 2002 (2002 là thời điểm thực hiện thi ĐH 3 chung), các trường ĐH tuyển sinh riêng và họ không phải trình đề án lên bộ. Vì thế, tôi vẫn cho rằng có cần thiết phải trình đề án tuyển sinh của từng trường lên bộ không? Họ hoàn toàn có thể làm được. Họ chấm được luận văn tốt nghiệp, đào tạo được thạc sĩ, tiến sĩ chẵng lẽ không ra được đề thi ĐH, không tự làm được đề án tuyển sinh phù hợp cho mình hay sao mà phải cần đến Bộ GD-ĐT xác nhận.
*Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục mà TƯ vừa thông qua cũng nói rõ tuyển sinh ĐH giao hoàn toàn cho các trường. Ông có cho rằng tới đây giáo dục ĐH Việt Nam sẽ có bước thay đổi về chất?
* Đề án đổi mới giáo dục lần này thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc triển khai như thế nào; Đảng, Nhà nước có tin vào các trường ĐH hay không. Tôi vẫn cảm giác chúng ta chưa tin vào họ. Cái gì chúng ta cũng sợ, sợ họ tuyển sinh một cách ồ ạt, sợ họ tuyển sinh vượt quá khả năng, sợ họ không đủ khả năng đào tạo, sợ họ cấp bằng không đúng. Tôi cho là không nên sợ như vậy. Tất cả đều đã có quy chế hết rồi, vấn đề là cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường giám sát ra sao.
Ví dụ quy chế tuyển sinh, hiện nay đã có những tiêu chí cụ thể, ngành giáo dục cứ thế giám sát theo các tiêu chí đó, ai sai thì xử lý thật nghiêm, dừng tuyển sinh thậm chí đóng cửa trường vi phạm.
Nhưng thực tế qua những mùa tuyển sinh vừa chúng ta thấy, với các chỉ tiêu mà Nhà nước giao cho tuyển sinh ĐH-CĐ, TCCN, trường nghề như chính quy, phi chính quy, liên thông, dạy nghề... thì thấy, tổng các chỉ tiêu đó ở từng trường cộng lại vượt rất nhiều so với số họ sinh phổ thông THPT tốt nghiệp hàng năm. Hàng năm chỉ khoảng 800-900 ngàn học sinh tốt nghiệp phổ thông, nhưng tổng chỉ tiêu ĐH-CĐ, TCCN, dạy nghề toàn trên 1 triệu. Vậy thì thử hỏi làm gì còn người mà tuyển, bởi thế nên các trường cứ kêu khó tuyển sinh.
Vì thế, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần giám sát việc tuyển sinh theo đúng quy chế. Các trường họ sẽ tự làm được. theo năng lực của họ. Còn khi kiểm tra mà phát hiện sai thì xử lý nghiêm, thậm chí là đóng cửa trường, đó là điều bình thường, không có gì phải nặng nề cả.
* Thực hiện tự chủ tuyển sinh, quan trọng nhất là khâu giám sát. Theo ông cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải thay đổi cách giám sát như thế nào?
* Trước mắt, Bộ GD-ĐT phải xem lại tiêu chí tuyển sinh cho thật chuẩn. Tiêu chí càng chuẩn thì giám sát càng chính xác. Mặt khác, theo tôi cũng phải giám sát báo cáo của các trường, xem họ báo cáo có đúng không. Ví dụ giám sát vấn đề giáo viên cơ hữu ở trường công lập thì dễ hơn, vì phải có hợp đồng lao động, có danh sách hưởng lương, nộp bảo hiểm xã hội. Nhưng giáo viên cơ hữu ở các trường tư thục thì đa phần là nhà giáo về hưu của các trường công lập, họ không có danh sách nộp bảo hiểm xã hội nữa, vây Bộ GD-ĐT giám sát bằng cái gì? Với trường hợp này, hợp đồng lao động không có ý nghĩa gì, khi đoàn giám sát đến họ có thể có ngay các bản hợp đồng được ký để đối phó. Vì thế phải có tiêu chí để kiểm soát được ở các trường ngoài công lập.
Nhưng cũng phải tránh những tiêu chí giám sát một cách máy móc. Vì nếu giám sát một cách máy móc thì chỉ khiến các trường nghĩ cách đối phó. Giám sát cần vừa đóng vừa mở, ví dụ với một trường mở ngành đào tạo mới, khó để yêu cầu họ ngay năm học đầu tiên phải có đủ đội ngũ giáo viên cơ hữu, vì thế có thể cho phép hoàn thiện dần dần trong vòng vài năm, dĩ nhiên Bộ GD-ĐT phải giám sát được việc này.
Nếu Nhà nước thực sự tin tưởng các trường ĐH thì tôi tin thực hiện tự chủ ĐH sẽ có biến chuyển lớn về chất lượng giáo dục ĐH. Vì tư cách pháp nhân của một trường ĐH là rất quan trọng, đó là danh dự, là uy tín xã hội của họ, nó rất khác với danh dự của các cơ quan khác. Vì nếu không có danh dự, không có uy tín, trường ĐH sẽ phải đóng cửa bởi thiếu người học. Chúng ta hãy để các trường ĐH được phát triển tự chủ theo quy luật khách quan.
*Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục lần này có một thay đổi mang tính đột phá về giáo dục ĐH, đó là Nhà nước thay vì bao cấp đào tạo bình quân như hiện nay sẽ tiến đến cơ chế đặt hàng đào tạo. Ông bình luận gì về điều này?
*Đây là vấn đề không hề đơn giản. Các chuyên gia giáo dục thì mong muốn Nhà nước chỉ bỏ tiền đào tạo những ngành nghề cơ bản, những ngành nghề mà giáo dục ngoài công lập không đào tạo được. Còn lại các ngành phổ biến phải để giáo dục ngoài công lập họ làm. Điều này đã được nói hàng chục năm nay nhưng chưa thực hiện được, do cơ chế chưa cho phép. Giờ là lúc chúng ta phải hoàn thiện cơ chế đó, hoạch định ra ngành nào Nhà nước đào tạo, ngành nào các trường ngoài công lập có thể đào tạo được để có cơ chế tài chính rõ ràng.
Điều này chúng ta phải có cơ chế cụ thể. Và Nhà nước chỉ cần ra cơ chế, chủ trương, các trường sẽ phải tự lo việc đó. Nhà nước không thể lo cho giáo dục ĐH như lo cho giáo dục phổ thông. Còn giáo dục ĐH, hãy để họ tự chủ một cách hoàn toàn. Mà muốn thế, phải để họ được tự chủ về định mức học phí, định mức chi tiêu, tuyển sinh. Luật Giáo dục ĐH đã quy định rất rõ về vấn đề tự chủ của các trường. Hãy làm đúng như Luật. Vì hiện nay, các trường ĐH có cơ quan chủ quản nhưng thực tế chỉ “quản” ở 2 việc: cấp kinh phí và bổ nhiệm cán bộ.
Còn toàn bộ khâu chuyên môn đều do Bộ GD-ĐT quản lý. Mà trên thực tế, hoạt động của một trường ĐH quan trọng nhất là chương trình đào tạo, tiêu chuẩn đầu vào đầu ra, tiêu chuẩn đội ngũ nhà giáo, chương trình khung về quản lý đào tạo.. Vì thế, lâu nay chúng ta nói khuyến khích các trường ĐH tự chủ nhưng thực ra họ chưa được tự chủ.
PHAN THẢO