
“Phố ma” là tên mà người dân xã Thống Nhất đặt cho xóm Tân Sinh, bởi xóm nằm kề bên nghĩa trang thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình). Không phải bỗng nhiên xóm Tân Sinh bị đặt cho cái tên rợn người như vậy, mà tên này được “khai sinh” vào năm 1986, khi thị xã Hòa Bình (cũ) quy hoạch nghĩa trang từ phường Chăm Mát về xóm Tân Sinh, xã Thống Nhất.
Nghĩa trang “ôm” nhà dân
Chúng tôi đến xóm Tân Sinh vào những ngày trời mưa cuối tháng 9, mọi con đường vào làng hầu như bị cô lập bởi nước lũ lên cao. Sau hơn 40 phút đánh vật với nước lũ chảy xiết và đất núi lở xuống đường nhão như cháo đặc, chúng tôi mới đến được xóm Tân Sinh.
Biết chúng tôi là nhà báo từ dưới xuôi lên, nhiều người tỏ vẻ vui mừng nhưng riêng những người lớn tuổi thì lại không thấy điều này là vui. Một cụ bà độ ngoài 70, tóc đã bạc trắng, đang hì hục khuân đất đá nói vọng lên: “Nhiều nhà báo về lắm rồi nhưng có thấy ai ngó ngang, ngó dọc gì đâu. Dân chúng tôi khổ vẫn cứ hoàn khổ!”.

Ngày nào, “phố ma” cũng có “thành viên” mới.
Hơn 20 năm qua, người dân nơi đây chung sống với hàng ngàn ngôi mộ, hầu như ngày nào xóm Tân Sinh cũng có “thành viên” mới “xin” nhập cư. Cụ bà Nguyễn Thị Hiền cho biết: Diện tích nghĩa trang rộng trên 5ha.
Người chết thì không ngừng tăng còn đất thì không “đẻ” thêm được nên nghĩa trang đang “phình” to và chạy dần về phía các hộ dân trong xóm.
Cả xóm Tân Sinh có 45 hộ, năm 2007 có 5 hộ đã “chạy” khỏi xóm đi vùng đất mới lập nghiệp, các hộ còn lại do không có tiền để chuyển đi nơi khác nên vẫn phải ở lại chịu trận. Trong xóm có 8 hộ gia đình nhà nằm sát vách nghĩa trang, có nhà chỉ cách dòng mương dẫn nước trên núi xuống suối, nhà thì cách con đường “chuột chạy”.
Bà Nguyễn Thị Duyên, cư dân trong xóm, bức xúc: “Vào những ngày cuối năm, nhiều gia đình sang mộ cho người thân, họ khóc rưng rức cả đêm làm ai nấy đều sợ hãi. Đêm ít thì 2-3 đám, đêm nào cao điểm phải 5-6 đám bốc mộ, khi đó mấy hộ gia đình gần đấy lĩnh đủ. Bốc mộ xong, những vật dụng của người chết người nhà không chôn lại xuống hố, khi mưa lớn trôi khắp nơi, có khi trôi vào tận sân, vườn... Người dân làm đơn gửi UBND TP Hòa Bình xin chuyển nhà đi nơi khác nhưng tới nay vẫn chưa có hồi âm!”.
“Khát nước” bên cạnh suối
Con suối chảy ngay dưới chân núi, nằm bên hông của xóm Tân Sinh nhưng không một gia đình nào dám cõng nước về dùng. Vào những ngày mưa, nước từ trên nghĩa trang thi nhau chảy xuống suối. Ông Trần Trọng Nghĩa cho biết: “Những ngày không mưa, đi dọc con suối thỉnh thoảng thấy các mạch nước rỉ vàng chảy từ nghĩa trang xuống, hứng nước lên ngửi có mùi hôi tanh. Giếng khoan, giếng đào cũng có mùi tanh khắm như mùi cá chết!”.
Phát hiện nguồn nước ngầm có mùi lạ, các hộ gia đình bảo nhau không nên tiếp tục dùng nước giếng, cả xóm không ai bảo ai, tất cả đều xây bể nước. Nhiều hộ vay cả chục triệu đồng như hộ ông Lung, bà Duyên... đầu tư mua ống nhựa kéo nước máy từ Trại giam Hòa Bình (dài gần 2km đường núi về dùng).
Nhà không có điều kiện thì mua nước theo can lớn về dùng, cứ 10.000đ/m3 nước. Mua được nước đã khó khăn, việc vận chuyển nước về nhà càng gian nan hơn, bởi phải qua 3 con suối, vượt 2 dãy núi cao đồ sộ thì nước mới về được tới nhà. Do đường núi, việc thồ nước bằng xe đạp là không thể, phải chuyên chở bằng xe máy, cho nên tiền xăng nhiều khi “vượt” tiền mua nước.
Sống cạnh ngay một nguồn nước dồi dào nhưng hàng ngày, hàng tháng người dân nơi đây vẫn “khát nước”, họ phải dùng nước rất dè sẻn. Bà Nguyễn Thị Duyên, xóm Tân Sinh cho biết: “Gia đình chỉ dùng nước máy cho nấu đồ ăn, đồ uống và cho mấy đứa trẻ con tắm. Còn người lớn, tắm và giặt giũ vẫn phải lấy nước suối và nước giếng để dùng”.
Vừa qua, UBND xã Thống Nhất hỗ trợ mỗi gia đình 4 triệu đồng để kéo nước máy về nhà, nhưng Nhà máy nước Hòa Bình đưa ra mức kinh phí lắp đường ống quá cao, trong khi người dân khó khăn về kinh tế nên dự án tới nay vẫn bị “treo”.
Nhiều ý kiến đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình và UBND TP Hòa Bình cần nhanh chóng bố trí nơi ở mới cho 40 hộ dân trong khu vực đất quy hoạch nghĩa trang, không thể để người dân cứ phải sống chung với… người chết, trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Doãn Xuân