Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, tôi lại rong ruổi trên đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh huyền thoại với những kilômét uốn lượn ngoằn ngoèo để cảm nhận từng sự đổi thay nơi đây. Con đường ấy, 36 năm trước, đã vượt qua bao mưa bom đạn, dệt nên huyền thoại Trường Sơn. Bao thế hệ từ Bắc tiến vào giải phóng miền Nam đã đổ máu, hy sinh tuổi thanh xuân để giữ cánh rừng Trường Sơn, giải phóng dân tộc... Và đường Hồ Chí Minh chằng chịt hố bom Mỹ năm xưa, nay đã khoác chiếc áo mới, sinh khí mới toát ra từ những đô thị giữa đại ngàn Trường Sơn.
1. Bắt đầu từ Đà Nẵng, ngược theo tuyến đường ĐT604 về hướng Tây khoảng gần 100km là đến thị trấn P’rao (huyện Đông Giang) - điểm nối giữa tuyến ĐT604 và đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh huyền thoại. Từ P’rao, rẽ tay phải là về các huyện Tây Giang (Quảng Nam), A Lưới (Thừa Thiên - Huế) rồi nối với đường 9 tại Đắk Rông (Quảng Trị); rẽ về tay trái là nối thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang), thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam), qua đèo Lò Xo rồi đến các tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc… Trước giải phóng, đây là cung đường nối tiền tuyến miền Nam với hậu phương miền Bắc và cũng là cung đường ác liệt nhất của bom đạn Mỹ. Những địa danh Asò, P’rao, P’Giằng, Khâm Đức (Quảng Nam), Đắk Glei, Đắk Tô (Kon Tum) được biết đến trong chiến tranh như những “tọa độ chết” bởi gần 4 triệu tấn bom đạn Mỹ thả xuống dãy Trường Sơn.
Tháng tư, Trường Sơn bồng bềnh trong sương và khói đá. Những thị trấn nằm dọc theo con đường Hồ Chí Minh như P’rao, Khâm Đức, Đắk Glei nhấp nhô trong sương mù hệt như một bức tranh thủy mặc huyền hoặc, thơ mộng. Chừng 10 năm trước, khi đường Hồ Chí Minh chưa được nâng cấp, các thị trấn này nằm lọt thỏm giữa Trường Sơn hoang vắng. Ngày ấy, những thị trấn này dường như cách biệt với bên ngoài, chỉ được biết đến với những bản làng dân tộc heo hút. Dù nắng hay mưa, đường đến những thị trấn từ Quảng Nam - Kon Tum nằm trên dãy Trường Sơn ngăn cách và hiểm trở, sản phẩm làm ra chủ yếu “lưu thông nội bộ”. Thời gian đến và đi từ những thị trấn này ra bên ngoài được tính bằng đơn vị ngày, đến nỗi, cán bộ huyện lên lịch đi công tác chỉ ghi ngày đi chứ không biết đích xác ngày về. Có thể 1 tuần, 1 tháng hoặc hơn. Nhưng hôm nay, đến với đường Hồ Chí Minh trong những ngày tháng 4 lịch sử, Trường Sơn đã đổi khác. Dọc đường hôm nay là những ngôi làng mới với nhà mái ngói đỏ tươi, tường xây kiên cố; những thị trấn đã sầm uất, đèn điện sáng suốt đêm, nhộn nhịp không kém gì phố thị ở đồng bằng.
2. Đường Hồ Chí Minh từ A Tép (Thừa Thiên - Huế) đến Đắk Glei (Kon Tum) dài gần 300km, đường sá tráng nhựa phẳng lì như con rồng lượn lờ vắt ngang dãy Trường Sơn. Chỉ gần 300km nhưng có đến 5 thị trấn sầm uất như: Tây Giang, P’rao (Đông Giang), Thạnh Mỹ (Nam Giang), Khâm Đức (Phước Sơn, Quảng Nam) và Đắk Glei (Kon Tum) cùng hàng chục ngôi làng mới khang trang mọc lên dọc ven đường. Với người dân sống gắn mình với Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh chính là con đường xóa nghèo của họ.
Dựng chiếc xe máy bên bìa rừng để vào rẫy, anh A Lăng Xuân (thôn Pà Păng, xã Cà Dy, huyện Nam Giang, Quảng Nam) cười tươi rói: “Mấy năm nay dân mình đỡ khổ nhiều lắm anh ơi. Trước đây làm rẫy phải đi bộ mất cả nửa ngày mới tới nơi, tối phải ở lại trong Zun (căn nhà lá giữa rẫy - PV), mỗi chuyến đi rẫy mất cả tuần mới về lại nhà. Còn bây giờ khỏe lắm, sáng dậy chạy xe máy đến bìa rừng để đó rồi vào rẫy, chiều quay ra về nhà. Tới mùa thu hoạch thì gọi xe đến chở. Con đường ni giúp dân mình đỡ mỏi cái chân, khỏe cái bụng lắm”.
Địu con đứng hóng gió trước ngôi nhà khang trang bên đường Hồ Chí Minh dài tít tắp, chị A Lùm (thôn Đông Lốc, xã Đắk Man, huyện Đắk Glei), tâm sự: “Trước đây nhà mình ở tuốt trong rẫy xa, đi nửa ngày đường mới tới. Từ khi đường Hồ Chí Minh chạy ngang qua, Nhà nước hỗ trợ tiền dựng nhà, làng mình kéo ra đây ở để cho tiện con cái đi học; đèn điện sáng choang; củ sắn, trái bắp gần đường cũng dễ bán; con cá, mớ rau gần đường cũng dễ mua. Cuộc sống của làng giờ sướng hơn nhiều”.
3. Không chỉ đơn thuần là con đường xóa nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, đường Hồ Chí Minh còn được xem như cú hích cho sự phát triển kinh tế vùng Tây Trường Sơn. Đường Hồ Chí Minh thông suốt, các huyện nghèo như Đắk Glei (Kon Tum), Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) trở thành dấu gạch nối giữa vùng Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào với Đông Nam bộ, với Đà Nẵng - trung tâm kinh tế miền Trung tạo nên sự thúc đẩy mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Bh’ríu Liếc, Ủy viên Trung ương dự khuyết, Bí thư Huyện ủy Tây Giang (Quảng Nam), cho biết: 36 năm đã qua, đất Tây Giang từng ngày hồi sinh, như đất cằn lâu ngày gặp mưa rào, cỏ cây mọc lên, chim thú đua nhau tìm mồi. Đặc biệt, sau 8 năm tái lập huyện (2003), “điện - đường - trường - trạm”, ruộng bậc thang khai hoang đã đến tận thôn bản của người C’tu, kinh tế ngày ổn định, chính trị, xã hội và an ninh không ngừng được giữ vững và phát triển tốt hơn, lòng tin của dân vào Đảng, Nhà nước ngày thêm bền vững.
Ngoài ra, Tây Giang luôn quan tâm động viên, giúp đỡ nhân dân các bộ tộc Lào anh em dọc biên giới với những tình cảm quốc tế cao cả, hai dân tộc giống một nhà với mái chung Trường Sơn anh hùng trong kháng chiến, đoàn kết, giúp đỡ cùng phát triển trong hòa bình. Có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ chính sách lớn, kịp thời, hiệu quả của Đảng, Nhà nước dành cho miền núi nói chung, Tây Giang nói riêng, như: Chương trình quốc gia về định canh - định cư, trồng và phát triển rừng (661), chương trình 135, 134, 30a, trái phiếu Chính phủ, đầu tư cho vùng biên giới (160)... “Đường Hồ Chí Minh không chỉ thúc đẩy kinh tế, tạo luồng giao thương giữa miền núi và đồng bằng thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả mà còn góp phần bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa cũng như tạo nên sự giao thoa văn hóa của các dân tộc ít người dọc tuyến đường đi qua” - ông Bh’ríu Liếc nhận định.
Nguyên Khôi