Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Phải hoàn thiện hệ thống báo động lũ, thông báo lũ

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Phải hoàn thiện hệ thống báo động lũ, thông báo lũ

(SGGPO).- Ngày 20-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến làm việc tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, UBND huyện Đại Lộc đề nghị không xây thêm thủy điện vì hiện nay thủy điện xả lũ gây thiệt hại cho vùng hạ du. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi thị sát tình hình sạt lở bờ sông Vu Gia tại Thôn Mỹ Hảo (xã Đại Phong), gặp gỡ và trao đổi với một số hộ dân. Ông Lương Văn Dương, Bí thư Chi bộ Thôn Mỹ Hảo (xã Đại Phong) cho biết: Tình trạng sạt lở bờ sông Vu Gia đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân, diện tích lớn đất nông nghiệp bị cuốn trôi, đe dọa cuốn trôi nhà cửa, đường sá của thôn Mỹ Hảo. Đặc biệt, kể từ khi có các thủy điện phía thượng nguồn Vu Gia, sau mỗi đợt lũ, dòng sông tăng dòng chảy, bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, cát sạt vùi lấp ruộng đồng… Đợt lũ vừa qua gây thiệt hại nặng cho thôn khi cuốn trôi nhiều tài sản, vật nuôi, giống lúa – cây trồng, vùi lấp ruộng đồng,… Vì thế, mùa vụ sắp đến sẽ rất khó khăn về giống, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Sau khi đi thị sát tình hình sạt lở bờ sông Vu Gia, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi thăm, tặng quà cho 3 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại Thôn Mỹ Hảo và có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Đại Lộc.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đi thị sát tình hình sạt lở bờ sông Vu Gia tại xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đi thị sát tình hình sạt lở bờ sông Vu Gia tại xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: Mưa lớn kéo dài kết hợp với thủy điện Sông Tranh 2, Đắk Mi 4, Sông Bung 4A và thủy điện A Vương đã gây lũ lớn đột ngột trên địa bàn huyện. Đợt lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho huyện Đại Lộc, trong đó có 1 người chết, 30 người bị thương; cuốn trôi nhiều nhà cửa, công trình, lúa và hoa màu…với tổng thiệt hại ước tính lên đến gần 45 tỷ đồng. Đặc biệt, kể từ khi có các thủy điện trên thượng nguồn thì sau mỗi đợt lũ, thôn Đại Mỹ, Thành Đại và Mậu Lâm (xã Đại Hưng) xảy ra hiện tượng bờ sông và khu dân cư bị sạt lở, bồi lấp nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Trúc đề nghị Chính phủ yêu cầu ban quản lý các thủy điện phải có nghĩa vụ, chia sẻ lợi ích đối với vùng hạ du bị thiệt hại nặng do thủy điện xả lũ hàng năm và nhất là đề nghị Chính phủ không cho xây dựng thêm thủy điện phía thượng nguồn vì hiện nay đã quá phức tạp khi thủy điện xả lũ.

Trước những thiệt hại nặng nề của tỉnh Quảng Nam sau các đợt lũ vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 20 tỷ đồng để hỗ trợ dân sinh, sửa chữa trường học, trạm xá; 20 tỷ đồng để mua giống, cây trồng và con vật nuôi để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân; hỗ trợ hóa chất, thuộc men để xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh… Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Quang đề nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo lũ sớm để người dân kịp thời chạy lũ, giảm thiểu thiệt hại.

Tại buổi làm việc với các cấp các ngành tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Bộ NN&PTNT và tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, thiết kế và đề xuất phương án kè chống sạt lở sông Vu Gia để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Quảng Nam nhanh chóng hỗ trợ về giống lúa, cây trồng và con vật nuôi để người dân sớm tái sản xuất, ổn định cuộc sống. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Về xả lũ thủy điện, hồ chứa xả lũ là chuyện bình thường, đầy thì phải xả. Nó chỉ không bình thường khi xả không đúng với quy trình. Nếu thủy điện xả sai quy trình là phải xử lý. Vấn đề là kiểm tra thủy điện xả có đúng quy trình hay không, coi quy trình đã hợp lý chưa để điều chỉnh cho phù hợp… Bên cạnh đó phải hoàn thiện hệ thống báo động lũ, thông báo lũ để nhân dân biết sớm và kịp thời. Phải tiếp tục rút kinh nghiệm điều hành các hồ chứa để làm sao điều hành hiệu quả nhất. Các bộ, ngành liên quan phải bàn bạc với nhau để điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa thủy điện cho hợp lý. Nếu thủy điện nào xả lũ sai thì phải chấn chỉnh, gây hậu quả phải xử lý trách nhiệm.  Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng giao cho Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đánh giá lại quy trình vận hành hồ chứa và tỉnh Quảng Nam cần có những kiến nghị, đề xuất để vận hành hồ chứa hợp lý hơn.

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục