Bây giờ về Nông trường cao su Nha Bích huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, khó tìm thấy những ngôi nhà ọp ẹp nghèo nàn nép dưới tán rừng cao su như năm nào, bây giờ là những ngôi nhà xây tường khang trang, lô nhô những cột ăng ten giữa ngàn lá xanh. Nhà nào cũng đầy đủ tiện nghi, nào ti vi, máy giặt, tủ lạnh, máy vi tính, nhiều nhà còn có cả ô tô đời mới đậu trước sân. Đi giữa rừng cao su mà tôi ngỡ như đi giữa phố phường, một khu phố khá đặc biệt: “phố trong rừng”.
Lạc vào thế giới cao su
Hôm chúng tôi đến huyện Chơn Thành tỉnh Bình Phước, ghé lại Nông trường cao su Nha Bích thăm người bạn làm kế toán nơi này đã ngót 20 năm. Chúng tôi ngỡ ngàng vì nơi đây quá nhiều thay đổi, không tài nào nhận ra con đường vào nhà Hai Hùng, bạn chúng tôi. Hỏi thăm mấy bận mới tìm được, đó là căn nhà tường bề thế, nền lót gạch bông, chung quanh có hành lang thoáng mát. Trước cửa treo những giò hoa lan khoe sắc tím thâm trầm ngan ngát, cạnh đó là chiếc ô tô đời mới bóng loáng. Đặc biệt giữa sân trồng một cây sưa khá to. Loại cây mà mới đây báo chí đã đăng tải giá bán tính từng ký, đắt như vàng.
Sau giây phút tay bắt mặt mừng, Hai Hùng chỉ vào cây sưa nheo mắt khôi hài mà cũng là sự thật: “Có người đến đây đòi mua cây sưa này 50 triệu đồng nhưng mình không bán, mấy ai trồng được cây sưa. Chỉ cần cây sưa này, thời gian nữa thôi mình trở thành tỷ phú, vì bán cây cổ thụ mà đơn vị tính bằng ký lô”. Hai Hùng nắm tay chúng tôi mời vào nhà, xăn xái: “Lâu ngày gặp lại, làm chút gì cho vui. Ai thích gì chọn nấy, bia có bia, rượu tây, rượu tàu, ba xị đế cũng không thiếu”. Mới nghe qua tưởng như Hai Hùng bây giờ lên mặt… chảnh, nhưng đây là tình thật, vì trong tủ rượu ngoại các loại chất đầy, còn dưới gầm bàn là thùng bia chưa khui.
Hai Hùng tách bạch: “Những người đã từng khổ với cao su thì ngày nay cao su cũng đáp lại cho họ cuộc sống no cơm ấm áo, gọi là sống được”. Là người làm công tác tài vụ, thống kê của Nông trường Nha Bích từ hơn 20 năm qua, không cần giở sổ sách, tài liệu, Hai Hùng nói vanh vách những con số về diện tích, năng suất, sản lượng cao su; số người lao động… ở từng nông trường thành viên, kể cả các loại sản phẩm ở nhà máy chế biến thuộc công ty.
Hai Hùng sôi nổi: “Bây giờ bà con công nhân đi rừng cạo mũ không còn phải thức dậy từ khuya để kịp giờ đi bộ vào rừng hoặc đạp chiếc xe cà tàng, cứ vang tiếng cót két lúc hừng đông, mà chỉ mất vài phút chạy xe máy là tới nơi”. Hai Hùng gật gù đắc ý: “Hầu như nhà nào cũng có xe máy, vì dạo này lương hướng tạm sống được. Tuy không làm giàu bằng ai nhưng cũng đủ sức lo cho các con học hành tới nơi tới chốn. Xây căn nhà đàng hoàng để ở, sắm xe máy đi tới đi lui, khá hơn chút thì sắm ô tô...”.
Nói xong, Hai Hùng sảng khoái cười khà khà, nụ cười chứng tỏ đây là những lời nói thật. Để chứng minh lời nói của mình chẳng ngoa chút nào, Hai Hùng hướng dẫn chúng tôi đi thăm dân cao su ở “phố trong rừng”.
Rừng một bên, phố một bên
Chúng tôi đi qua những đường lô cao su sạm màu đất đỏ bazan, nhiều đường một bên là rừng cao su lộng gió, một bên là phố xá khang trang như một khu đô thị mới. Cổng nhà, tường rào, mái ngói đủ màu sắc xen lẫn trong màu xanh cây lá, tạo thành một bức tranh tuyệt vời mà họa sĩ là những người bước ra từ rừng cao su. Có cả phòng trọ, hớt tóc máy lạnh, tiệm trang điểm cô dâu… có thua gì những nơi phồn hoa đô thị.
Điều chúng tôi tâm đắc nhất là nơi đây có rất nhiều trường học và ngôi trường nào cũng bề thế khang trang, lộng lẫy giữa rừng cao su. Bên này trường cấp một, bên khu rừng kia trường cấp hai, ba. Sân trường nào cũng được tráng xi măng sạch đẹp thênh thang, hàng hàng lớp lớp những chiếc xe đạp, xe máy của giáo viên và học sinh kiêu hãnh ở một góc sân trường. Rừng cao su không còn vắng vẻ, ô tô, mô tô ngược xuôi, tiếng trống trường vang vang.
Chúng tôi vào một ngôi nhà trong khu phố giữa rừng, ngôi nhà đẹp và sang trọng, vật dụng và phương tiện không thiếu thứ gì. Chủ nhà chị Hoàng Thị Nhi, dân tộc Tày, từ giã làng quê tận Hưng Yên vào đây làm công nhân cao su đã ngót 20 năm. Nay đã hơn 50 tuổi, chị vẫn giữ được vóc dáng xinh xắn của người phụ nữ tuổi 40.
Chị Nhi chuyện trò với chúng tôi bằng nụ cười duyên dáng: “Ngoài quê, cả nhà hơn chục miệng ăn chỉ có vỏn vẹn 3 sào ruộng, quanh năm dán mặt dưới ruộng, phơi lưng giữa trời mà vẫn nghèo. Vào làm công nhân cạo mũ cao su, mấy năm đầu cũng nhọc nhằn lắm, nhưng quen với nếp sống tiết kiệm, dành dụm chắt chiu nên sau 10 năm cuộc sống không còn cảnh thiếu trước hụt sau, cũng có tiền mua sắm, cất nhà, cho con ăn học”. Niềm hạnh phúc và cũng là niềm tự hào của người mẹ là đứa con gái của chị hiện đang học Trường Đại học An ninh tại TPHCM và đứa con trai học lớp 10. Những đứa trẻ lớn lên từ rừng cao su đang đi trên đường lô cao su tới tương lai xán lạn.
Chúng tôi ghé qua nhà chị Bé Tư gần bên, căn nhà khá đồ sộ. Chị Tư quê Lai Châu, vào làm công nhân cao su hơn 30 năm rồi. Chị từ tốn nói căn nhà này cũng nhờ cao su mà có. Thằng con trai của chị đang đứng bên cạnh mẹ cũng nói xen vào: “Con vào đại học cũng nhờ cao su”. Thằng Tú, con trai của chị Bé Tư nói như khoe với tôi: “Con đang học năm cuối Trường Đại học Nông nghiệp TPHCM”.
“Cháu có chọn nơi làm việc ở TPHCM chưa?”. Nghe tôi hỏi, thằng Tú lắc đầu nguầy nguậy, giọng cương quyết: “Sau khi tốt nghiệp, con sẽ xin về công tác trong ngành cao su tại quê nhà, nơi mẹ con đã cạo từng giọt mủ cao su cho con đến trường. Con đã lớn lên từ rừng cao su đầy yêu thương và kỷ niệm, con không thể nào ngoảnh mặt ra đi được”.
Thằng Tú sôi nổi bày tỏ tâm tư tình cảm của mình: “Tại sao các ngành nghề khác có trường đại học như Đại học Thủy sản, Đại học Xây dựng, Đại học Giao thông thì tại sao ngành cao su lại không có đại học cao su để đào tạo thế hệ trẻ biết chế biến các sản phẩm từ cao su? Giá trị cao su được nâng cao là khi chúng ta không còn tình trạng xuất khẩu nguyên liệu thô mà là những sản phẩm được sản xuất bằng cao su”. Nghe thằng Tú nói, tôi thấy cảm phục những người trẻ tuổi của rừng cao su vô cùng, một thế hệ mới với đầy đủ trí tuệ, nhiệt huyết. Nhưng ai sẽ là người chắp cho họ đôi cánh để bay vào thế giới cao su?
Trên đường ra về, chúng tôi gặp một nhóm công nhân cao su đang quây quần thư giãn bên nhau, người ngồi kẻ nằm trên yên xe máy, chuyện trò vui vẻ. Đó là những người vừa cạo mũ xong, chờ đi trút mủ. Hầu hết đều sinh ra và lớn lên từ rừng cao su. Từ tấm bé đã tập tành theo cha mẹ vào rừng cao su, lúc cha mẹ cạo mủ thì mình đi mót cao su đất, là những mủ cao su rơi rớt dưới đất. Coi vậy mà cũng kiếm được cả trăm ngàn đồng mỗi ngày.
Một nhóm học sinh tan học về trên đường lô, nhiều em đi bằng xe đạp điện, cười vui ríu rít như bầy chim về tổ. Những chủ nhân tương lai của rừng cao su, tô điểm cho rừng cao su thêm xanh tươi và xây dựng những đô thị trong rừng ngày càng nguy nga tráng lệ.
NGUYỄN TƯỜNG LỘC - THƯ NAM