
Hiện nay, nông dân ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa hè thu. Ngoài 2 vụ lúa đông xuân, thu đông hay mùa (tùy sinh thái từng vùng) thì đây là vụ lúa nông dân đầu tư chi phí sản xuất cao nhất lại thu hoạch vào thời điểm mưa, bão nên tỉ lệ thất thoát, hạt lúa ẩm độ cao.

Một lều phơi lúa ở ĐBSCL.
Do khó khăn về kinh tế cộng với tập quán sản xuất thường vào thời điểm bị lũ, triều cường nên việc xây dựng sân phơi gặp khó khăn, còn ứng dụng công nghệ sấy lúa bằng máy với qui mô sản xuất nông hộ xem ra chưa phù hợp với nhu cầu thực tế. Từ đó, nông dân ĐBSCL nói chung, Trà Vinh nói riêng chưa “mặn” lắm với máy sấy lúa.
Những năm gần đây, nhà nông ở Trà Vinh, Vĩnh Long,... có sáng kiến độc đáo là phơi lúa bằng lều và kết quả mang lại thật khả quan. Để có một lều phơi lúa an toàn, tiện lợi, phù hợp trong điều kiện mưa, bão nông dân chọn 1 sân phơi nền gạch, xi măng, đất (nền đất được đánh rãnh nước xung quanh, dưới phủ 1 lớp lưới mùng) có ánh sáng mặt trời khi nắng, có gió thông, thoáng mát khi mưa.
Dụng cụ làm lều là những cây tre được dựng lên theo hình tam giác cân hay tam giác đều (theo nhu cầu mặt bằng) trên những cây tre này được căng dây dù, mái lều phủ bằng mủ ni lông chống thấm nước để chủ động khi nắng dở mủ ra, mưa đậy lại, chi phí cho một lều phơi lúa từ 500.000-700.000 đồng và chỉ cần 2 nhân công, lều phơi lúa sẽ đáp ứng và bảo quản tốt từ 100-150 giạ lúa.
Về lợi ích kinh tế, cách làm này giúp lúa sau thu hoạch dù gặp mưa, bão vẫn không bị nảy mầm, thoát được ẩm độ cao, khi xay xát hạt gạo không bị răng cưa, gãy. Lợi ích thứ hai là giảm chi phí sản xuất, tiện lợi sử dụng cơ động mọi lúc mọi nơi, nếu bảo quản tốt có thể sử dụng từ 3-5 năm, chi phí thấp từ 7-10 lần so với máy sấy lúa.
ĐÌNH CẢNH